Tôi sinh ra và lớn lên ở Hội An nhưng thú thật, không có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với sông Hoài.
Vì sông là một điều cấm kỵ
Nhà tôi cách sông Hoài chưa đầy một cây số nhưng hồi còn nhỏ, sông Hoài là một ranh giới cấm kỵ đối với những đứa trẻ như tôi - là con duy nhất trong gia đình, ba mẹ lại không làm gì liên quan đến sông nước. Cho nên kỷ niệm ấu thơ duy nhất tôi có với sông Hoài là những ngày mùa hè ba mẹ dẫn tôi đi dạo bên bờ sông, là những cơn gió từ sông thổi lên ngọt lành, là nước sông trong vắt có thể nhìn thấy những chùm rong tận đáy. Không có bơi lội, ngụp lặn trên sông. Không bắt cá. Không mò cua bắt ốc ngoài sông.
Năm tôi tám tuổi, vào một ngày mùa đông rét mướt, nước lụt dâng lên mấp mé bờ sông, tôi chứng kiến một chuyện kinh hoàng. Một người hàng xóm làm nghề chạy xe thồ, khi đi dọc bờ sông Hoài mấp mé nước đã dừng xe, bước ra sát mép nước ngồi rửa tay. Bác vô ý trượt chân ngã xuống sông, bị dòng nước xiết cuốn đi. Đó là người hàng xóm luôn vui vẻ, hay bẹo má tôi và kỷ niệm đau lòng đấy làm tôi e ngại sông Hoài.
Lớn lên một chút, sông Hoài trong tôi là những ngày nước lụt dâng cao, tràn lên con đường Bạch Đằng dọc bờ sông, dâng lên cả trên đường Nguyễn Thái Học, đường Cường Để (bây giờ là đường Trần Phú) trong phố. Mặc kệ những nỗi lo toan, vất vả của người lớn khi thấy nước lụt ngày càng dâng cao, với chúng tôi ngày đó, ở độ tuổi mười lăm mười bảy, nước lụt thật sự là những ngày hội. Không có buổi trưa nào đi học về chúng tôi không tìm cách đi vòng qua những con phố bị ngập để lội nước. Không buổi chiều nào chúng tôi chịu ngồi yên ở nhà khi nghe tin nước lụt lên ngoài phố. Nỗi phấn khích đó, cho dù bị người lớn la, quần áo ướt đầm, nguy cơ bị cảm lạnh ho sù sụ… vẫn là những niềm vui hiếm hoi không gì sánh được thời tuổi thơ của hầu hết cư dân bên sông Hoài.
|
Phải ra đi để thương nhớ sông hơn
Lớn lên một chút, đi xa Hội An, xa sông Hoài, ký ức về một dòng chảy hiền lành trong trẻo ngày bé có lúc tưởng chừng phai nhạt đi theo năm tháng. Tôi có dịp ghé qua nhiều thành phố, làng mạc, đi qua nhiều dòng sông. Sông Hàn, sông Hương, sông Hồng, sông Sài Gòn, sông Tiền… tôi từng đi qua dù mênh mông hơn, hào sảng hơn nhưng không hiểu sao lại làm tôi ray rứt nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên, nhớ nơi ấy cũng có một dòng sông.
Sông Hoài mát xanh, trong vắt, chiều chiều những người ngồi câu cá, có tàu bè qua lại, có những chiếc thuyền nhỏ buông lưới bắt cá, tiếng gõ vào mạn thuyền kêu lộp bộp. Sông Hoài nước trong vắt, hai bên bờ là lũy tre, bờ cỏ và những dãy nhà chồ san sát. Sông Hoài sống động trong ký ức của đời sống thị dân phố Hội, là một thứ ký ức trong trẻo, ngọt lành.
Tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người mới thấy khó mà gặp được ở các nơi kiểu người tự hào về Hội An, về sông Hoài như là những cư dân sống bên bờ sông Hoài. Ngày Hội An vẫn còn là một thị xã bé tẹo, vô danh và khốn khó, khá nhiều cư dân sông Hoài phải bỏ xứ đi xa lập nghiệp. Nếu tình cờ hỏi họ quê ở đâu, bạn sẽ nghe câu trả lời dõng dạc: họ đến từ Hội An. Nếu biết lờ mờ về Hội An, bạn hỏi tiếp: Hội An thuộc Đà Nẵng hả, họ sẽ trả lời: Hội An cách Đà Nẵng ba mươi cây số, Hội An là Hội An, không thuộc Đà Nẵng. Dù Đà Nẵng lúc đó đã sang trọng chiếm một chỗ đứng không nhỏ trên bản đồ miền Trung.
Vậy Hội An, sông Hoài có gì đáng để tự hào? Ngoài việc là thương cảng nổi tiếng của những thế kỷ trước, là cả một ký ức phồn thịnh lẫy lừng đã qua, Hội An còn ôm trong lòng nó một cộng đồng dân cư gắn kết mật thiết với nhau vì lòng yêu thương, vì trách nhiệm cộng đồng dành cho nơi mình sống. Có thể hiểu ở Hội An, nếu một người làm bậy, cả cộng đồng sẽ thấy xấu hổ. Như kiểu khi bạn thật lòng yêu thương sông Hoài, bạn sẽ đau lòng khi thấy nó đau, đôi khi chỉ vì một nhúm rác, một vỏ chai nhựa trôi lềnh bềnh trên sông, một mùi hôi bốc lên từ sông.
Nhìn lại sông Hoài bây giờ không khỏi chạnh lòng vì một dòng chảy lờ đờ, khiêm tốn và yếm thế len lỏi bên cạnh một Hội An nhộn nhạo đèn hoa. Khu cồn bắp xanh ngút ngày xưa bây giờ sừng sững một dự án như một lô cốt khổng lồ. Chất thải từ khu dân cư, từ những dự án du lịch, từ sự vô tâm của những con người đến đây đã làm cho dòng sông không còn khoáng đạt, mùi sông mất đi cái không khí tinh khiết, hồn hậu, chân tình vốn có.
Về Hội An bây giờ nghe người ta nói nhiều đến chuyện đầu tư làm ăn, đến tiền. Đúng là ai cũng cần tiền, có nhu cầu kiếm tiền, xài tiền.
Có biết đâu đồng tiền, nếu được sử dụng một cách không tình yêu, nó sẽ cuốn phăng đi tất cả những gì tốt đẹp mà lâu nay mình vẫn giữ gìn, chăm chút.
Sông Hoài cũng vậy thôi, nếu chỉ nhìn nó như một phương tiện để kiếm tiền mà không biết yêu thương, chăm chút cho nó, nó sẽ tàn dần, từng chút một.
Sông Hoài đang buồn. Nó đang ngắc ngoải thở.
Tác giả: ÐINH LÊ VŨ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM