"Sống chung với mẹ chồng" dù chưa kết thúc nhưng đã có nhiều ý kiến đồn đoán bộ phim sẽ ra mắt phần hai. Thực hư điều này thế nào, thưa anh?
- Tôi nghĩ thực ra điều nay rất khó đoán, không thể khẳng định ngay phần hai của 'Sống chung với mẹ chồng' sẽ có hay không bởi điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hơn nữa, nếu có khán giả cũng sẽ sớm biết thông tin thôi.
Bên cạnh đó, có ý kiến nhận định nhiều tình tiết phim bị tiết lộ quá nhiều khiến 'Sống chung với mẹ chồng' giảm sức hút. Anh có kiểm soát được việc đó không?
- Tôi có biết vấn đề bạn muốn hỏi và nói thẳng ra những tình tiết khán giả suy đoán đều dựa vào nội dung của cuốn tiểu thuyết cùng tên phim. Nhưng kịch bản phim là sự phóng tác chứ không phải bê nguyên nội dung từ bản gốc. Do đó, chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Điều này khán giả sẽ thấy rõ trong những tập tiếp theo của bộ phim.
Trước khi ra mắt phim ‘Sống chung với mẹ chồng”, anh từng gây sốt với nhiều bộ phim chủ đề gia đình. Đây chính là thế mạnh của anh?
- Tôi không dám khẳng định như vậy đâu. Với một đạo diễn chuyên nghiệp, khi làm phim về bất cứ đề tài nào cũng cần sự đầu tư tuyệt đối cả về chuyên môn lẫn nhiều khía cạnh. Cho dù bạn có làm tốt thật nhưng không nên xác định, tôi chỉ hợp với đề tài này mà không hợp với đề tài kia. Điều quan trọng là đề tài đó có khiến mình hứng thú hay có cảm xúc không thôi.
Một trong những phân cảnh bị cho là làm quá trong phim "Sống chung với mẹ chồng".
Ngoài những phản hồi tích cực, vẫn có ý kiến nói rằng phim phản ánh hơi quá. Điển hình như việc mẹ chồng xoi xét, can thiệp tế nhị cả chuyện con trai?
- Tôi khẳng định, mọi tình huống chúng tôi đưa vào phim đều là những câu chuyện có thật lấy từ chất liệu thực tế. Bạn nghĩ xem, nếu không có chúng tôi làm sao có thể tưởng tưởng ra được. Bởi vậy, nếu nói cường điệu hay làm quá tôi nghĩ không phải, chỉ là chúng ta đã trải qua câu chuyện đó hay chưa thôi. Tình huống nào được đưa lên phim hay tiểu thuyết tôi nghĩ đều bắt nguồn từ tư liệu cuộc sống.
Tôi cho rằng trong câu chuyện mẹ chồng nàng dâu không ai là vai chính hay phản diện. Quan trọng chính là cách nhìn nhận vấn đề và ứng xử hợp tình, hợp lý?
- Tôi đồng tình với quan điểm của bạn. Đó cũng là một trong những dụng ý chúng tôi xây dựng bộ phim. Các nhân vật đều là vai chính diện, với những mặt tốt, xấu tồn tại khác nhau. Nhưng qua đó khán giả sẽ tự chọn cho mình cách tiếp cận, đánh giá riêng biệt. Bởi vậy, mới có ý kiến bảo ngoài đời làm gì có bà mẹ chồng khủng khiếp như thế, nhưng người lại nói cô con dâu cũng có vừa đâu.
Nhiều người đàn ông vẫn giữ tư tưởng thà bỏ vợ còn hơn bỏ mẹ, vì mẹ chỉ có một còn vợ có thể thay thế. Anh đánh giá thế nào?
- Không thể đánh giá tư tưởng này đúng hay sai, bởi nó xuất phát từ nền tảng giáo dục mỗi gia đình và cá nhân tiếp thu điều đó. Tôi không cho rằng cực đoan theo một chiều hướng là đúng, thay vào đó nên biết cách dung hoà cuộc sống. Dù rằng đó là quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hay đồng nghiệp hay đối tác làm ăn, sự đối kháng hay cực đoan đều chỉ mang lại sự thiệt thòi, nếu biết dung hoà chúng ta sẽ có được những điều tốt đẹp.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho rằng nhiều tình tiết phim không hề cường điệu hóa. |
Theo anh, điều gì cần thiết đối với người con trai nếu muốn dung hoà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu?
- Nếu kể ra có rất nhiều yếu tố nhưng về cơ bản tôi cho rằng đó phải là người trụ cột và đưa ra quyết định hợp lý, đồng thời có sự quyết đoán rõ ràng. Bởi mỗi người phụ nữ quan tâm, chăm sóc chúng ta bằng tình cảm khác nhau. Với người mẹ đó là tình mẫu tử, trong khi người vợ là tình cảm vợ chồng. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ có hành xử khéo léo dung hòa mối quan hệ đó.
Nhiều cặp vợ chồng dù yêu mặn nồng cũng dẫn đến tan vỡ, chỉ vì lý do không thể hoà hợp với mẹ chồng khi sống chung. Lời khuyên của anh với những người rơi vào tình huống đó sẽ là...?
- Điều này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình. Nếu gia đình có tư tưởng hiện đại, không nặng nề chuyện sống chung thì nên có sự độc lập. Bởi cuộc sống riêng mang đến sự tôn trọng và những cách cư xử khách quan. Ngược lại, với những gia đình coi trọng nền tảng truyền thống, muốn 'tam đại đồng đường' hay 'tứ đại đồng đường’ chúng ta phải nhìn vào thế hệ đi trước. Học hỏi kinh nghiệm để sống sao cho hài hoà hạnh phúc.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Quỳnh Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet