Siêu thị điện máy: Đua nhau khuyến mại
Mới chớm nóng nhưng không khí mua sắm tại gian hàng điện lạnh ở nhiều siêu thị điện máy đã rục rịch khởi động. Hầu hết các siêu thị điện máy đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, đồng thời cũng bắt đầu tung ra các chiêu khuyến mãi hấp dẫn, thu hút lượng lớn người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm.
Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị điện máy, các mặt hàng điện lạnh phục vụ mùa nóng với sự tích hợp công nghệ thông minh và tiết kiệm điện như quạt hơi nước, quạt phun sương, quạt lạnh với chức năng hẹn giờ và cảm ứng; máy lạnh inverter áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện; dòng tủ lạnh tự động điều chỉnh khả năng làm mát… đang chiếm ưu thế.
Với suy nghĩ nên sắm các mặt hàng chống nóng ngay từ đầu mùa vụ vừa có nhiều chính sách khuyến mại, thợ lắp đặt không phải “chạy sô” nhiều nên sẽ lắp cẩn thận hơn, rất nhiều người đã tìm đến các siêu thị điện máy để chọn mua điều hòa, quạt, máy làm mát.
Có mặt tại siêu thị điện máy HC, đường Giải Phóng, Hà Nội sáng 10-5-2018, chúng tôi nhận thấy gian hàng đồ điện lạnh đã được siêu thị sắp chật kín hàng. Phong phú nhất trong gian hàng này là mặt hàng điều hòa với đầy đủ các nhãn hàng như Samsung, Toshiba, Midea… Kế đến là gian hàng máy làm mát đang được nhiều gia đình lựa chọn do những ưu điểm của chúng. Theo nhân viên bán hàng của siêu thị HC, mùa hè năm 2017, một số thương hiệu máy làm mát đã… cháy hàng.
Hầu hết các sản phẩm chống nóng tại siêu thị điện máy HC đều có chính sách khuyến mại như giảm giá “sốc” đến 42% hoặc tặng quà kèm theo. Có thể kể đến như Quạt điều hòa Goldsun giảm giá đến 42% từ 4.990.000 đồng xuống còn 2.890.000 đồng, máy làm mát FujiE AC 17C giảm giá 16% từ 4.150.000 đồng xuống còn 3.490.000 đồng. Hay khách mua máy làm mát Nagakawa sẽ được tặng kèm quạt 5 cánh…
Còn tại siêu thị điện máy Media Mart có chương trình “Hàng hè giá sốc cơn lốc quà tặng” trong đó nhiều mặt hàng chống nóng có giá giảm sâu như quạt lửng Midea giảm đến 43%, quạt điều hòa Kangaroo giảm giá 33%; điều hòa LG, Samsung, Panasonic và Midea loại 9.000 BTU giảm đến 30%... Siêu thị điện máy Pico lại tung ra chương trình khuyến mại “Mùa hè xanh giảm giá không phanh” để hút khách mua hàng.
Các siêu thị điện máy tung ra nhiều chiêu khuyến mại hút khách mua hàng chống nóng. |
Cẩn trọng với “mánh” của thợ sửa điều hòa
Đầu hè cũng là thời điểm nhiều cơ quan, công sở và các gia đình lắp đặt, sửa chữa hoặc bảo dưỡng điều hòa. Tuy nhiên, nắm bắt được điểm yếu của người dân về việc không có chuyên môn, kiến thức nên trong quá trình lắp đặt, sửa chữa hay bảo dưỡng điều hòa, ngoài tiền công, thợ điều hòa còn có những chiêu trò riêng để “móc túi” khách hàng. Số tiền khách hàng bị “móc” không hề nhỏ.
Như chị Trần Thị Hạnh, trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội than thở: “Mới qua mùa đông không sử dụng điều hòa mà công tắc bị hỏng. Gọi thợ đến thay công tắc, ai dè thợ bảo hết gas, vệ sinh máy… Điều hòa có dấu hiệu bị chảy nước ngược nên cũng phải khắc phục cả lỗi này. Thôi thì cũng đành phải bỏ ra số tiền hơn 1 triệu đồng”.
Còn chị Nguyễn Thanh Nga, trú tại đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, gia đình chị gọi thợ đến bơm gas cho máy điều hòa. Thế nhưng, mới dùng được hơn 1 tuần đã thấy điều hòa chạy không mát. Gọi thợ khác đến kiểm tra mới biết gas cũ đã hết. Hóa ra thợ trước bơm ít gas mà tôi cũng không biết. Lần này, tôi phải yêu cầu thợ bơm gas cam kết bằng văn bản nếu xảy ra vấn đề gì thợ phải đến khắc phục miễn phí”.
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một cửa hàng điện máy tại phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa là dịch vụ mà người thợ dễ dàng “vặt tiền” khách hàng nhất. Ví dụ như khi lắp đặt điều hòa, tiền công trọn gói lắp đặt cho mỗi chiếc điều hòa dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng thì khách hàng thường phải trả thêm những khoản phụ kiện phát sinh. Tiền phụ kiện được tính theo mét, do đó, vị trí từ dàn lạnh đến dàn nóng càng xa thì tiền phụ kiện càng tốn.
Chẳng hạn, nếu khoảng cách là 3 mét dây nhưng thợ sửa điều hòa có thể kê dùng đến 5 mét dây, ăn gian được 2 mét dây ống. Ngoài ra, nhiều thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa còn sử dụng những “mánh” trong việc báo hỏng linh kiện để khách phải chi thêm tiền. Có thể linh kiện chưa hỏng nhưng họ vẫn báo hỏng. Như vậy, người thợ sẽ dễ dàng thay linh kiện của họ và báo giá lên cao hơn giá nhập nhiều lần.
Hơn nữa, nếu người dân không để ý thì thợ sửa điều hòa còn trà trộn linh kiện kém chất lượng, dễ khiến điều hòa bị hỏng trong một thời gian ngắn. Hay khi bảo dưỡng, điều hòa sẽ phải bơm thêm gas và đây là điểm để thợ điều hòa “vặt tiền” của khách. Bởi thông thường, khi bơm gas sẽ tùy vào mức của máy cần bơm ít hay nhiều, từ đó thợ tính tiền gas mà khách phải trả.
Đa phần khách hàng không hiểu về kỹ thuật, nên việc phát hiện ra thợ sửa điều hòa “vặt tiền” là rất khó. Do vậy, để hạn chế tối đa nhất việc bị móc túi khi lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa, mọi người nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định, hoặc nhờ người am hiểu theo dõi giúp quá trình thợ sửa chữa.
Tác giả: Nguyễn Hương
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân