Giáo dục

Sốc “mô hình”!

Sáng 28-8, phụ huynh học sinh trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, thành phố Vinh, Nghệ An) đã kéo tới trường phản ứng về chuyện con em họ bị “thí điểm” một mô hình giáo dục kém hiệu quả, theo báo Tuổi Trẻ.

Lớp học tại một trường tiểu học ở TPHCM sắp xếp theo mô hình VNEN. Ảnh: Báo Người Lao động.


Báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh cụ thể: “Hầu hết các phụ huynh đều bày tỏ lo lắng và kiến nghị nhà trường dừng chương trình mô hình trường học mới VNEN với các lý do như: thế ngồi học không phù hợp ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu. Bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống khiến phụ huynh lo ngại về học lực của con em mình sau khi học hết tiểu học. Học trường trung học cơ sở theo chương trình truyền thống thì các em bị đuối, tiếp thu kém hơn bạn bè đồng lứa”.

Thông tin trên gợi nhớ lại quãng thời gian đầu năm 2013, khi dự án VNEN do Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu (Global Partnership for Education – GPE) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 41 tháng (từ tháng 1-2013 đến hết tháng 5-2016), đã xảy ra một cuộc tranh luận lớn trên báo chí và ngay cả trong các trường tiểu học là đối tượng “thử nghiệm” của dự án này.

VNEN, tạm gọi là mô hình trường học mới, đã được một số nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt là khu vực Mỹ Latin từ cuối thập niên 1990; cũng đã từng đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi đưa vào nhà trường tiểu học, trung học cơ sở ở Việt Nam, đã tạo ra những hiệu ứng cũng như quan ngại đáng kể. Ví dụ, trong thời gian đầu triển khai, đã có những lo lắng về hình thức xây dựng đội tự quản trong lớp học (để gia tăng tính chủ động của học sinh) liệu có phá vỡ tính kỷ cương của lớp học truyền thống, việc giáo viên thoát khỏi vị trí trung tâm để tăng tính tự chủ của học sinh mà không được chuẩn bị trước từ khâu đào tạo nghiệp vụ sư phạm, chỉ thông qua những khóa huấn luyện thì tính hiệu quả sẽ thế nào, vì điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số lớp học ở những vùng “lớp quá tải” khi áp dụng mô hình này có tương thích không...?

Những băn khoăn đó đã được đặt ra. Song, cũng như nhiều “trận đánh” khác trong giáo dục, gần như tự đặt mình đứng ở chiến tuyến đối lập với dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai dự án, thậm chí, cho đại trà ở một số địa phương.

Qua 41 tháng triển khai, chiều 18-8-2016, khi nhìn lại hiệu quả của mô hình này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có ra một văn bản chỉ đạo các địa phương, sở giáo dục, đề cập đến chuyện rút kinh nghiệm về VNEN. “Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Những ưu điểm và bất cập nói trên trong áp dụng mô hình trường học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm”(Báo Người lao động lược thuật)

Như vậy, sau hơn 3 năm triển khai, cả nước có 54 tỉnh triển khai mô hình VNEN (hơn 1.000 trường trung học cơ sở và 2.365 trường tiểu học triển khai mô hình), các tổ chức tài trợ đã ngắt nguồn kinh phí. Ở một số địa phương (như Nghệ An, trước đây là Bà Rịa - Vũng Tàu), có hiện tượng phụ huynh xin cho con chuyển trường, rút khỏi mô hình lớp học VNEN vì lo con mình… học dốt, vì hoang mang không biết sau khi hết dự án, con cái họ có phải thích ứng lại với mô hình giáo dục truyền thống nữa hay không. Về phía giáo viên, sự “xen ngang” của mô hình ít nhiều gây “sốc” trong thực hành nghiệp vụ sư phạm. Trong một hội nghị bàn về mô hình VNEN ở Đắc Lắc, đã có giáo viên than phiền đây là “mô hình khó nhất trong các mô hình”…

Rõ ràng, việc đo lường sự hiệu quả của một mô hình giáo dục, khoảng thời gian 3 năm là quá ngắn ngủi, chưa thể nói được gì, nên cũng cần sự thận trọng và nghiên cứu khoa học thấu đáo trước khi đưa ra đánh giá. Nhưng khi nhìn vào những phản hồi của phụ huynh, học sinh, giáo viên, là những đối tượng thụ hưởng và chịu tác động từ mô hình này, có thể thấy rằng, những cú sốc vẫn còn âm ỉ.

Việc tiếp tục triển khai, nhận rộng hay không, cần tiếp thu những mặt tích cực nào từ mô hình, có lẽ nên đặt trên cơ sở lợi ích từ thực tế chứ không thể áp đặt một chiều từ trên xuống. Một mô hình giáo dục thử nghiệm khi áp dụng rất cần xét đến các yếu tố bối cảnh hóa, bao gồm khảo sát điều kiện thực tiễn trước khi được triển khai và nhất là không nên duy ý chí đến mức xem thường những phản biện của dư luận.

Sự “xen ngang” rầm rộ “ra quân” rồi giãn tuồng, đánh trống bỏ dùi bao giờ cũng để lại những hệ lụy, thậm chí, cả những phế phẩm trong giáo dục.

Và cuối dùng, dù có theo mô hình nào đi nữa, thì trong điều kiện giáo dục Việt Nam, điều cần làm không phải là đẻ thêm nhiều mô hình, dự án gây sốc, hoang mang nơi người học và phụ huynh, mà ngược lại, cần kiến tạo niềm tin và không gian ổn định tinh thần để say mê theo đuổi hiểu biết, tri thức. Hiệu quả giáo dục cùng đo ở sự hài lòng của người thụ hưởng chứ không căn cứ trên những tổng kết có tính tuyên truyền một chiều của cơ quan quản lý.

Tác giả bài viết: Nguyễn An Sa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP