Trong nước

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Bộ TN&MT rút kinh nghiệm cách diễn đạt

Thứ trưởng TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, cách diễn đạt trong thông tư 33 "bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý", do đó, Bộ sẽ rút kinh nghiệm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung về quy định ghi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhằm hướng dẫn chi tiết hơn về cách ghi tên người sử dụng đất trên sổ đỏ đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình; đối với đối tượng sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng …) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

Thứ trưởng TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa. Ảnh: Báo TN&MT

Theo bà, việc ghi tên hộ gia đình trên sổ đỏ như trước đây, trong quá trình thực hiện các quyền của người sử dụng đất đã bộc lộ tồn tại, hạn chế. Đơn cử như việc quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, do đó gặp khó khăn trong việc được pháp luật bảo hộ khi có rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự.

Bà Hoa cũng khẳng định việc ban hành quy định như Thông tư 33 là phù hợp với quy định của bộ luật Dân sự, luật Đất đai và khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng TN&MT cũng cho rằng cách diễn đạt trong thông tư 33 "trong ngành sẽ hiểu nhưng bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý". Do đó, bà khẳng định Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này.

"Trong các luật bao giờ cũng có điều liên quan đến giải thích từ ngữ. Chúng tôi làm chuyên môn thì hiểu rất nhanh. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là diễn đạt làm sao khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà tất cả người dân hiểu được, đấy là cái quan trọng. Hệ thống pháp luật về tài nguyên môi trường rất rộng, chúng tôi xin tiếp thu về việc diễn đạt để trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tới đây sẽ diễn đạt dễ hiểu hơn”, bà Hoa nói.

Giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Mai Văn Phấn, phạm vi điều chỉnh ghi tên các đối tượng thuộc hộ gia đình, còn các thông tin cá nhân vẫn giữ nguyên như tài sản cá nhân của vợ hoặc chồng. Tài sản tạo lập của vợ hoặc chồng khi tham gia giao dịch mà các thành viên khác trong gia đình không tham gia đóng góp thì sẽ không ghi trên bìa đỏ.

“Việc quy định như vậy sẽ chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình”, đại diện Tổng cục Đất đai nói.

Cũng theo ông Phấn, việc ghi tên hộ gia đình trên GCN QSDĐ trước đây sẽ gây ra các bất cập khi thực hiện quyền sử dụng đất của các thành viên trong gia đình không được xác lập cụ thể; khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất sẽ phát sinh mâu thuẫn về tranh chấp quyền của từng thành viên; khó khăn khi xác định chính xác đối tượng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất…

28 dự án chịu 'kiểm soát đặc biệt' về môi trường như Formosa

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, sau sự cố Formosa Hà Tĩnh (FHS), Thủ tướng đã yêu cầu Bộ kiểm tra, rà soát để từ đó lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án gây tác động, ảnh hưởng diện rộng tới môi trường.

Mục tiêu là làm sao để chủ động kiểm soát các vấn đề về ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như FHS.

Có 6 loại hình thuộc các nhóm sản xuất “nhạy cảm” như gang thép, xi măng, nhiệt điện, khoáng sản…

“Một dự án có quy mô, công suất lớn, công nghệ sản xuất lạc hậu; vị trí đặt tại khu đông dân cư… đương nhiên sẽ có khả năng gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới diện rộng. Có khoảng 28 dự án được đưa vào danh mục “kiểm soát đặc biệt” về vấn đề môi trường trong đề án này.

FHS, dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên)… nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt” - ông Thức thông tin.

Đối với các dự án chưa hoạt động hoặc chuẩn bị hoạt động, xây dựng, Tổng cục Môi trường căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường để “sàng lọc” cho vào danh mục nhóm kiểm soát đặc biệt này.

Ở cấp độ thấp hơn, có khoảng 300 dự án thuộc nhóm các dự án cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP