Giáo dục

Sợ con bị ghét, phụ huynh lẳng lặng nộp các khoản thu chi đầu năm

“Ai mà dám có ý kiến, phần lớn phụ huynh không đồng tình nhưng vẫn im lặng và móc hầu bao”.

Cô em dâu ở thành phố Biên Hòa gọi điện thoại cho tôi bức xúc: “Em ngán đi họp phụ huynh đầu năm quá, họp gì đâu chỉ là toàn thông báo nộp tiền. Mà em hỏi chị, tiền ủng hộ tự nguyện sao lại cào bằng? Sao năm nào cũng phải nộp ba bốn trăm ngàn một em?”.

Khi nghe tôi hỏi “Đi họp sao không nghe giáo viên giải thích, không đồng tình sao không có ý kiến?”, nghe thế, cô em giãy nãy: “Ai mà dám có ý kiến, phần lớn phụ huynh không đồng tình nhưng vẫn im lặng và móc hầu bao”.

Bởi thế, sau cuộc họp phụ huynh những câu chuyện về các khoản thu, chi đầu năm học lại được các phụ huynh đem ra kể hết nơi này đến nơi khác.

Sau mỗi cuộc họp, Ban giám hiệu nhà trường thường tập hợp tất cả biên bản của các lớp để đọc xem ý kiến phản hồi của cha mẹ các em thế nào còn biết cách điều chỉnh.

Phát hiện lạm thu đầu năm, gọi số 01695122753 (Ảnh: giaoduc.net.vn)


Phụ huynh không có ý kiến, đồng nghĩa với việc phụ huynh đã đồng tình nên mọi khoản đóng góp nhà trường đưa ra đều phải thực hiện đầy đủ.

Cam chịu và phản ứng sau lưng là cách mà phần lớn các bậc phụ huynh đang làm.

Họ cứ lấy lý do “sợ con bị cô thầy để ý”, “sợ con bị đì”… nên hầu như trong các cuộc họp phụ huynh ở tất cả các trường học chỉ có giáo viên nói còn tất cả đều không có ý kiến. Cũng vì điều này mà chuyện lạm thu không bao giờ chấm dứt!

Không ít phụ huynh đưa ra lý do “muốn bảo vệ con nên đành im lặng” bởi họ không biết rằng trong những khoản tiền họ phải “tự nguyện” nộp kia, chính các thầy cô giáo cũng chẳng được bỏ túi một đồng.

Việc thông báo nộp và thu tiền của phụ huynh cũng đang là gánh nặng đè chặt trên vai họ và khi giáo viên không nhận lợi ích từ các khoản thu chi này, họ cũng không có lý do để ghét bỏ học sinh một cách vô tội vạ như phụ huynh vẫn thường lầm tưởng.

Để đưa ra được một mức đóng góp của trường (ngoài những khoản tiền bắt buộc theo quy định) Hiệu trưởng nhà trường phải họp với ban đại diện hội phụ huynh để thống nhất mức nộp.

Hội phụ huynh nhiều trường thường là những người có tiềm lực về kinh tế, những người có “máu mặt” nên họ ít có được sự đồng cảm hay thấu hiểu những gia đình khó khăn.

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh không đồng tình với mức ủng hộ nhà trường đưa ra phải tự lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính mình thay vì “ngậm bồ hòn làm ngọt” và chỉ dám bàn tán sau lưng!

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP