Giáo dục

Sinh viên khó tìm việc làm, trường loại ngành ra khỏi chương trình đào tạo

Với những ngành tuyển sinh kém, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp thì nhà trường đã loại ngành đó ra khỏi chương trình đào tạo.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đưa ra một chỉ số bắt buộc các trường phải công khai trong mùa tuyển sinh 2018. Đó là tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất.

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, trường đại học thu thập bằng cách nào để con số được tin cậy khi việc công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp là điều mà xã hội và sinh viên đặc biệt quan tâm sau khi ra trường.

Trong khi, qua quá trình tuyển dụng nhiều doanh nghiệp đánh giá phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Ngày hội việc làm 2017 tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Để đáp ứng nhu cầu của sinh viên cùng nhà tuyển dụng lao động, ngày 20/5, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội tổ chức “Ngày hội việc làm” cho sinh viên với sự tham gia của 43 công ty, đơn vị, các nhà tuyển dụng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng có cơ hội việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Đồng thời đây cũng là dịp giúp sinh viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và sự tự tin để tiếp cận với thế giới việc làm, nâng cao cơ hội ứng tuyển thành công khi tìm việc.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội nhận định:

Từ trước đến nay, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chỉ được thể hiện thông qua việc xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo; tạo điều kiện thực tập, rèn nghề cho sinh viên nhưng khâu quyết định của đào tạo chính là chất lượng đầu ra thì chưa thực sự chặt chẽ.

Do đó, từ năm 2016 lãnh đạo Nhà trường quyết định tổ chức “Ngày hội việc làm” với mong muốn đưa cơ hội, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên; thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp đồng thời là dịp giúp các sinh viên đang trong quá trình học tập được mắt thấy, tai nghe các yêu cầu của nhà tuyển dụng để các em cố gắng học tập, phấn đấu đáp ứng những yêu cầu đó.

Được biết, năm ngoái, thông qua ngày hội này đã có 230 sinh viên kí hợp đồng sơ bộ với các công ty tuyển dụng. Năm nay, với 43 doanh nghiệp, dự kiến khoảng 500-600 sinh viên được tuyển dụng ngay tại ngày hội việc làm lần này.

Tại ngày hội, bạn Lã Thị Bình – hiện đang giữ chức vụ trưởng phòng Maketing (Công ty TNHH Dược Tâm An) cho hay: “Là cựu sinh viên của trường, tôi tìm được công ty tốt vào Ngày hội việc làm năm 2016 nên tôi hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và điểm thiếu của các bạn sinh viên.

Tôi khuyên sinh viên, hãy biết quý trọng thời gian khi còn là sinh viên vì trường đại học chỉ dạy kiến thức cơ bản còn kỹ năng là hoàn toàn do bản thân từng người tích lũy.

Và đừng nên bó buộc trong suy nghĩ rằng học ngành nào thì ra trường sẽ phải làm ngành đó mặc dù nếu không làm đúng chuyên ngành đào tạo thì sẽ gặp khó khăn nhưng khi đó các bạn hoàn toàn có thể khắc phục được bằng sự cố gắng để bản thân tiến xa, tiến mạnh hơn”.

Ngành nghề nào dễ xin việc nhất?

Nếu trước đây nguyên lý giáo dục dựa trên mối quan hệ giữa gia đình – Nhà trường – xã hội thì nay Nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên mới thực sự là 3 trụ cột của sự nghiệp đào tạo.

Thầy Tuấn cho biết, cách tốt nhất để trường đưa sinh viên tiếp cận với cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp là thông qua mạng lưới cựu sinh viên.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi việc vận hành mạng lưới cựu sinh viên của có dễ dàng không thì thầy Tuấn chia sẻ:

“Sau khi tốt nghiệp, mỗi em đến một nơi để tìm công việc nên việc công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không hề dễ”.

Mặc dù, Nhà trường đã giao cho Ban tuyển sinh và xúc tiến việc làm lưu lại những thông tin ban đầu của sinh viên từ địa chỉ, số điện thoại và thông qua website cựu sinh viên để các em giữ liên lạc với trường.

Nhưng khi ra trường, việc phản hồi của các em chưa đạt được như mong muốn bởi lẽ nhiều sinh viên có việc làm chưa ổn định hoặc làm không đúng ngành đào tạo thì tỷ lệ phản hồi và giữ liên lạc với trường rất thấp.

Nắm được lý do này, hiện nay, trước mỗi khóa tốt nghiệp, Nhà trường yêu cầu mỗi lớp bầu ra Ban liên lạc – có nhiệm vụ kết nối, giữ liên lạc với các thành viên trong lớp để khi có sự kiện, hoạt động gì cần đánh giá thì Nhà trường sẽ liên hệ trực tiếp với Ban đó.

Qua phản hồi của sinh viên những năm qua, thầy Tuấn thông tin, có năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 50%, có năm đạt 70% trong đó khoảng 30% làm việc đúng ngành nghề đào tạo.

Và ngành nghề có tỷ lệ việc làm cao nhất là công nghệ gỗ (gồm công nghiệp chế biến gỗ và thiết kế nội thất) và kỹ thuật xây dựng công trình – khoảng 90% sinh viên có việc làm ngay từ những tháng đầu tiên sau khi ra trường.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận, những ngành không gắn liền với doanh nghiệp, sinh viên khó tự tạo ra việc làm như khoa học môi trường, công nghệ sinh học (việc làm gắn với phòng thí nghiệm)…thì tỷ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường là thấp.

Nhằm cứu vãn tình hình đó, gần đây Đại học Lâm nghiệp Hà Nội xác định lại chiến lược phát triển, đối với những ngành tuyển sinh kém, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp thì nhà trường đã loại ra khỏi chương trình đào tạo và chấp nhận đào tạo lại giảng viên trong thời gian 1 năm để sang dạy ngành xã hội đang có nhu cầu.

Trong thời gian ấy, giảng viên được học 7-8 mô đun tương đương 20 tín chỉ do giảng viên của một trường có kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực này giảng dạy.

Sau đó, từng giảng viên được phân công môn học nào thì được cử về trường đó tham gia giảng dạy trong 1 học kỳ dưới góc độ giảng viên tập sự.

Hoàn thành khóa đào tạo, giảng viên về viết bài giảng để chuẩn bị bài dạy tại nhà trường.

Đồng thời, nhận thấy nhiều ngành dù không phải thế mạnh của trường nhưng khả năng sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nên Nhà trường đã mở để đào tạo, ví như ngành: chăn nuôi, thú ý, công tác xã hội, quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành…

Còn đối với các ngành mà sinh viên khi ra trường khó hoặc không tự tao ra được việc làm thì Nhà trường chỉ đào tạo mang tính chất hàn lâm nghiên cứu với số lượng ít.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP