Tiến sĩ Yin Hongchao bên cạnh giống lúa Temasek mà ông dày công nghiên cứu mất 8 năm
Temasek, theo ngôn ngữ Java cổ có nghĩa là “thành phố biển”, vốn là tên gọi đầu tiên được ghi nhận của vùng đất nay là đảo quốc Singapore.
Danh từ Temasek ngày nay khiến liên tưởng đến Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings do bà Hà Tinh (Ho Ching), phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, làm Tổng giám đốc và có cổ phần trong hàng loạt công ty lớn khắp Đông Nam Á.
Tiến sĩ Yin Zhongchao thuộc Phòng nghiên cứu khoa học sự sống Temasek, người trực tiếp tạo ra giống lúa này, cho hay Temasek Rice được lai tạo với tiêu chí chống chịu được điều kiện thời tiết siêu khắc nghiệt như lũ lụt hay hạn hán kéo dài.
Chưa hết giống lúa này còn có khả năng kháng nấm và vi khuẩn, đồng thời cho năng suất cao, trung bình 6 tấn/ha, cao gấp khoảng 4 lần giống lúa lài gốc.
Mặc khác, thân lúa cũng ngắn hơn giúp nó vững chãi hơn và không bị ngã rạp trong điều kiện gió mạnh.
“Đối với người tiêu thụ, loại lúa có thể tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng có nghĩa là tạo nguồn cung ổn định”, tiến sĩ Yin phát biểu với báo The Straits Times.
Singapore tự hào lần đầu tiên lai tạo ra giống lúa “đặc biệt” được nói có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và kháng sâu bệnh. Ảnh cắt từ clip của báo The Straits Times
Do điều kiện đất đai đảo quốc Singapore hạn hẹp, lúa Temasek hiện chỉ được trồng với quy mô nhỏ ở Tasikmalaya, một thị trấn miền núi thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia.
Hồi tháng 8 năm nay, gạo Temasek đã chính thức đến với người tiêu dùng Singapore tại siêu thị Meidi-Ya, chuyên bán thực phẩm Nhật Bản với giá “nhà giàu” trong trung tâm thương mại Liang Court kề khu giải trí Clarke Quay.
Giá bán gạo Temasek cũng vào loại “trên trời”: 6,95 - 7,45 SGD (113.000 - 121.000 đồng)/kg, gần gấp đôi giá gạo lài cao cấp của Thái Lan.
Tiến sĩ Yin nói rằng cơm gạo Temasek chất lượng hơn, mềm hơn, thậm chí là có vị đậm đà hơn các giống gạo đỏ khác.
Trong khi đó, cây viết chuyên về ẩm thực của báo The Straits Times Wong Ah Yoke đã thử cơm Temasek và cho biết nó “khó nhai hơn gạo đỏ thông thường và cứng hơn gạo trắng bình thường một chút”. “Thực tình thì nó gợi cho tôi hình ảnh mảng cơm hơi cháy nám ở đáy nồi khi bạn nấu bằng bếp lò”, Wong Ah Yoke nói.
Nhà báo sành ăn này cũng lạc quan nói thêm: “Một số người lại thích cái mảng cơm cháy đáy nồi vì thực sự vị của nó khá đậm đà”.
Tác giả bài viết: Thục Minh