Kinh tế

Sếp lớn 'hạ cánh không an toàn': Lỗ ngàn tỷ, bán nhà đền bù

Ông Võ Trường Thành và Trầm Bê cam kết lấy tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả thua lỗ của mình gây ra như một cách để bù đắp trách nhiệm của mình trong quản lý điều hành. Trong khi nhiều dự án nhà nước thua lỗ ngàn tỷ vẫn chưa có hướng xử lý, chưa chỉ ra ai chịu trách nhiệm.

Làm sai, xin được đền tiền

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa trình cổ đông phương án khắc phục hậu quả được đề xuất bởi ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF và ông Võ Diệp Văn Tuấn (con trai ông Thành), nguyên là thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc.

HĐQT TTF xin cổ đông chấp thuận cho cha con ông Võ Trường Thành được khắc phục một phần hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém tại TTF và các công ty con bằng cách sử dụng tài sản của bản thân và người liên quan.

Cha con ông Võ Trường Thành.

Các cá nhân này sẽ bù đắp bằng tiền hoặc tài sản theo mệnh giá trong bất kỳ trường hợp nào dẫn đến việc giảm số lượng tài sản khắc phục hậu quả theo như đề xuất của bố con nhà ông Thành. Tài sản sẽ được chuyển giao quyền sở hữu để khắc phục hậu quả cho TTF theo đúng quy định của pháp luật.

Đổi lại, ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn sẽ miễn toàn bộ trách nhiệm bao gồm trách nhiệm pháp lý. TTF sẽ làm việc với Tân Liên Phát (cổ đông lớn nắm giữ gần 30% cổ phần TTF) ra văn bản bãi nại cho ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn trong vòng 3 ngày kể từ khi hoàn thành chuyển giao xong toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả.

Đây là một giải pháp cha con ông Võ Trường Thành khắc phục hậu quả các sai phạm, trong đó có “sai lệch nghiêm trọng” ở TTF liên quan đến khoản lỗ hơn 1.100 tỷ trong quý 2/2016 do hàng tồn kho bốc hơi và trích lập dự phòng.

Trước đó, hồi 2015, ông Trầm Bê khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cổ phần Sacombank và cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, SouthernBank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.

Cam kết lấy tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả được xem là một giải pháp giúp bù đắp thiệt hại cho DN và cổ đông. Đổi lại sẽ được xem xét miễn, giảm trách nhiệm pháp lý liên quan đến hậu quả gây ra. Tuy nhiên, có nhiều người chưa hẳn đã đồng thuận với các giải pháp như vậy.

Ngàn tỷ bù sao đủ, mất niềm tin đền sao cho lại

Theo đề xuất, các tài sản khắc phục của cha con ông Võ Trường Thành bao gồm hơn 15 triệu cổ phần TTF và khoảng 57 tỷ đồng vốn góp tại các doanh nghiệp khác. Ngoài ra còn có các tài sản khác như nhà đất sẵn sàng bán hay chuyển đổi... tổng giá trị tài sản để khắc phục khoảng 160 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng mối giới chi nhánh TP.HCM CTCK VnDirect, đây là cách mà cổ đông lớn Tân Liên Phát chấp nhận thiệt hại. TTF lỗ cả ngàn tỷ, gây mất niềm tin cho nên sự bù đắp bằng tài sản cá nhân khó có khắc phục được.


“Đó là chưa kể đến những sai phạm và thua lỗ khiến nhiều nhà đầu tư mất rất nhiều tiền. Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu TTF ở mức giá 30.000-40.000 ngàn đồng/cp rồi phải bán ở mức giá 8.000 đồng, thậm chí 6.000 đồng/cp. Cứ tính ra vốn hóa thì biết, từ 40.000 về 6.000 đồng, mất 34.000 đồng/cp, tổng thiệt hại của cổ đông lên tới hàng ngàn tỷ đồng”, ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Phước Đại, Giám đốc Công ty Tư vấn Tuệ Nguyễn, trong trường hợp doanh nghiệp có những sai lệch về số liệu như trường hợp của Gỗ Trường Thành như trên đã cho thấy có lỗi cố ý và trái pháp luật. Tuy nhiên, việc có hậu quả hay không thì phải xem xét cụ thể.

Cũng theo ông Đại, ngay cả trong trường hợp gây ra hậu quả như thiệt hại đối với các nhà đầu tư chẳng hạn thì nếu các bên tự thỏa thuận với nhau được để khắc phục để không xảy ra hệ lụy pháp lý khác.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, phó TGĐ PNT International Auditing cho rằng biện pháp nói trên có thể phù hợp với một số cổ đông nhưng nhìn chung chưa hợp lý vì nhiều NĐT trên TTCK chịu thiệt hại vì những sai phạm nói trên.

Còn trường hợp Sacombank, theo ông Ngọc, những sai phạm khiến NH khó khăn thanh khoản, nợ xấu cao. Sai phạm cụ thể như thế nào, mức thiệt hại như thế nào sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

Theo nhiều chuyên gia, việc lấy tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả trên thực tế còn tốt hơn so với nhiều trường hợp DNNN, dự án làm ăn thua lỗ lớn thời gian gần đây như xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, Gang thép Thái Nguyên, dự án nhiên liệu sinh học - ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, đóng tàu Dung Quất… còn chưa có cách giải quyết, chưa chỉ ra ai chịu trách nhiệm.

Những trường hợp này, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, có lẽ giải pháp cơ bản vẫn là cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nhà nước xuống để tư nhân nắm giữ. 'Đồng tiền liền khúc ruột' sẽ khiến DN được giám sát tốt hơn như việc phát hiện những sai phạm tại TTF vừa qua, tránh hiện tượng 'cha chung không ai khóc'.

Tác giả bài viết: M. Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP