(Ảnh minh hoạ).
Với dân số hơn 90 triệu người, 60% là người tiêu dùng trẻ với nhu cầu mua sắm cao, thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Sau khi gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng yếu thế tại thị trường trong nước với hàng loạt các tên tuổi lớn như Tập đoạn Casino (Big C), Metro, Aeon, Lotte.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với việc các doanh nghiệp bán lẻ lớn của thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ và Thái Lan... sẽ dẫn đến nếu doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị đẩy khỏi thị trường.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp giao ban tại Bộ Công Thương diễn ra ngày 6/6, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: "Rất nhiều đơn vị đưa tin các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường gây khó khăn cho hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, quan điểm đã xác định khi mở cửa thị trường hàng hóa, hàng hóa của Việt Nam ra được nước ngoài thì hàng nước ngoài vào được Việt Nam".
Theo vị này, Việt Nam hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về vấn đề này, như văn bản điều chỉnh về Luật doanh nghiệp, Luật cạnh tranh quy định về việc mở cửa phân phối và bán lẻ và Nghị định 23 về mua bán của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Sau 10 năm mở cửa, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 3,4% tổng mức bán lẻ hàng hoá, đầu tư chủ yếu vào siêu thị, trên 17% thị phần của kênh bán lẻ hiện đại và 9,3% tổng cơ sở bán lẻ hiện đại.
"Mở cửa là xu thế. Một số vụ mua lại Metro, BigC của các doanh nghiệp nước ngoài là xu hướng bình thường, giống như Vingroup mua lại Ocean Mart hay Vinatex Mart…", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, căn cứ vai trò của mình, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quản lý kinh doanh lĩnh vực này theo đúng luật pháp. Theo đó, cùng quan điểm mở cửa đầu tư, liên quan đến câu chuyện thực hiện cam kết nhất quán WTO cũng như thực hiện FTA thế hệ mới, định hướng sắp tới cố gắng đảm bảo sử dụng các giải pháp được WTO cho phép, giữ quyền bảo lưu 9 nhóm mặt hàng FDI chưa được phân phối.
Đồng thời, bổ sung Nghị định 23 cho phép quản lý khi mở cửa thị trường. Ngoài ra, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đào tạo, hỗ trợ công nghệ thông tin, mở rộng phát triển hệ thống phân phối và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Hiện Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Khi đã có đề án mang tính chiến lược và nền tảng Bộ sẽ tổ chức đánh giá lại, có biện pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phân phối trong nước nâng cao sức cạnh tranh.
Đánh giá tại cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để có hệ thống bán lẻ hoàn chỉnh thì cần nghiên cứu hội nhập, mở cửa, cơ chế chính sách phát triển hệ thống bán lẻ. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng chiến lược bán lẻ, xây dựng đề cương, làm việc với Hiệp hội, địa phương, đánh giá những mặt được, chưa được trong phát triển hệ thống bán lẻ.
"Cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối trong nước có chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nghiên cứu diễn biến thị trường bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, xem xét sự tuân thủ pháp luật của khối doanh nghiệp FDI, có báo cáo Bộ và Chính phủ có biện pháp", Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, Vụ Thị trường trong nước cần rà soát, đánh giá việc xây dựng hạ tầng thương mại, trong đó có lĩnh vực bán lẻ để từ đó có cái nhìn toàn diện và đồng bộ về phát triển hệ thống thương mại, trong đó bao gồm cả kênh siêu thị và chợ truyền thống.
Tác giả bài viết: Phương Dung