Pháp luật

Sẽ tịch thu xe 1,7 tỉ hối lộ giám đốc sở?

Bản án phúc thẩm tuyên trả chiếc xe mà bị cáo tặng cho gia đình giám đốc sở bị VKSND Tối cao “tuýt còi” và TAND Tối cao cũng đồng tình.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thị Quý Phượng (sinh năm 1969, trú TP Pleiku, Gia Lai) làm nghề buôn chuyến tuyến Quy Nhơn - Pleiku. Đến năm 2004, bị cáo thành giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bình An (Công ty Bình An). Trong thời gian từ năm 2009 đến 2011, Công ty Bình An trúng thầu 11 công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng giá trị hơn 112 tỉ đồng.

Làm ăn lỗ nhưng báo lãi

Bị cáo đã tạm ứng tại bốn ban quản lý dự án hơn 49 tỉ đồng song chỉ thi công nhỏ giọt. Phượng dùng tiền đã ứng để mua ô tô và trả nợ các khoản vay. Sau khi biết không có khả năng thi công và hoàn trả tiền đã tạm ứng, Phượng bỏ trốn và bị bắt vào cuối năm 2012.

Để đối phó với cơ quan chức năng, Phượng đã nhờ nhiều doanh nghiệp quen biết xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng để kê khai thuế, hoàn thuế. Phượng đã dùng 67 hóa đơn bất hợp pháp được lấy từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để làm thủ tục hoàn thuế, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 1,6 tỉ đồng. Để đối phó với các chủ đầu tư trong việc rút tiền tạm ứng, bị cáo Phượng đã dùng các hóa đơn khống để hợp thức hóa...

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, Phượng khai có nhiều cán bộ đã nhận hối lộ để Công ty Bình An được ưu ái trong việc cho nhận thầu và nhanh chóng giải ngân tiền tạm ứng. Cụ thể, Phượng khai đã tặng ô tô Volkswagen Tiguan Das Package trị giá 1,7 tỉ đồng và nhiều lần đưa tiền cho nguyên giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai. Bị cáo chi bồi dưỡng 1 tỉ đồng cho một cựu trưởng ban quản lý dự án huyện Ia Grai, 20 triệu đồng cho cựu chủ tịch UBND huyện Chư Pah, 400 triệu đồng cho cựu trưởng Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Chư Pah, 120 triệu đồng cho giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh…

Ngoài ra, bị cáo đã chi tiền bồi dưỡng cho nhiều người của ban quản lý dự án huyện Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện và TP Pleiku. Theo bị cáo, việc chi tiền bồi dưỡng là trích phần trăm cho các chủ đầu tư theo thông lệ mà các nhà thầu phải thực hiện khi được nhận dự án.

Phượng thừa nhận Công ty Bình An khi mới thành lập làm ăn có lãi, song đến đầu năm 2008 bắt đầu thua lỗ. Sau đó công ty lỗ nặng nhưng vẫn báo cáo có lãi và nhờ việc chi lót tay nên được xếp năng lực doanh nghiệp loại II để tham gia đấu thầu và thi công nhiều công trình. Trong 11 công trình trúng thầu trên địa bàn Gia Lai thì bốn công trình Công ty Bình An mất khả năng thi công nhưng nợ ứng vốn ngân sách trên 21 tỉ đồng.

Về việc mua ô tô giá 1,7 tỉ đồng tặng giám đốc Sở KH&ĐT, Phượng khai rằng không tự nguyện nhưng vị này nói nếu không tặng thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Liên quan đến 50 triệu đồng chuyển vào tài khoản khi vị này đi công tác, Phượng khai là do tự nguyện và thường xuyên làm như vậy để thuận lợi làm ăn.

Chiếc xe bị cáo làm quà tặng trị giá 1,7 tỉ đồng. Bị cáo Trần Thị Quý Phượng tại tòa. Ảnh: LQL

Không thể trả lại xe

Tháng 9-2014, TAND tỉnh Gia Lai xử sơ thẩm, tuyên phạt Phượng tổng cộng 24 năm ba tháng tù về ba tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế. Phần dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo phải trả cho Chi cục Thuế TP Pleiku 1,65 tỉ đồng và trên 140 triệu đồng tiền trốn thuế; trả cho ban quản lý dự án huyện Kông Chro hơn 8.500 tỉ đồng. Tòa cũng tuyên tịch thu, bán đấu giá ô tô Volkswagen Tiguan Das Package, để đảm bảo việc thi hành án.

Sau đó TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên giảm bốn năm tù cho bị cáo. Nhưng HĐXX không tuyên tịch thu bán đấu giá mà giao trả ô tô cho gia đình nguyên giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai. Ngay khi bản án có hiệu lực thì người này đã liên hệ cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục sang tên sở hữu chiếc xe rồi bán lại cho một người khác ở TP.HCM.

Tháng 3-2016, VKSND Tối cao kháng nghị bản án, cho rằng tòa cấp phúc thẩm quyết định giao trả ô tô là chưa phù hợp. Bởi lẽ tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phượng khai đã sử dụng hơn 1,67 tỉ đồng tạm ứng của ban quản lý dự án huyện Kông Chro để mua ô tô tặng giám đốc Sở nhằm mục đích tạo mối quan hệ để được giúp đỡ trong việc làm ăn.

Theo VKSND Tối cao, lời khai trên phù hợp với thực tế là sau khi mua và làm các thủ tục đăng ký lấy biển số xong, Phượng đã giao xe trên cho gia đình vị này sử dụng. Theo đó, hợp đồng mua bán và hợp đồng ủy quyền giữa bị cáo Phượng và vợ giám đốc sở là trái pháp luật. Công ty Bình An vẫn đứng tên quyền sở hữu đối với ô tô trên. Đó là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi, bán đấu giá để đảm bảo việc thi hành án đối với bị cáo Phượng.

Lập luận trong kháng nghị được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận, cơ quan này đã tuyên hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa án cấp phúc thẩm xử lại.

Mới đây, trong phiên xử phúc thẩm lại, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm liên quan đến ô tô Volkswagen Tiguan Das Package. Tòa đã giao toàn bộ hồ sơ vụ án để TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm lại theo quy định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi TAND tỉnh Gia Lai xử sơ thẩm lại vụ án này.

Tác giả: LỮ QUỲNH LOAN

Nguồn tin: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh

  Từ khóa: xe hối lộ , tịch thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP