Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban quản lý Đề án ngoại ngữ 2020, cho biết Đề án ngoại ngữ giai đoạn năm 2017-2025 (Đề án ngoại ngữ 2080) đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hầu hết các trường đào tạo ngoại ngữ và 80% các trường đào tạo các ngành khác triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ.
Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016 |
Ngành giáo dục đào tạo sẽ triển khai một số chương trình đào tạo giáo viên về ngoại ngữ. 100% sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và khung năng lực giáo viên ngoại ngữ theo các cấp học và trình độ đào tạo...
Vì vậy, trong giai đoạn 2017-2025, các trường sẽ phải rà soát lại yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường chưa công bố cần xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Bà Hữu đã đưa ra lưu ý đối với những cơ sở đưa ra chuẩn năng lực ngoại ngữ B1 bậc 3 đối với học sinh THPT: “Theo tính toán của ban Đề án ngoại ngữ, hiện tại năng lực B1 bậc 3 chỉ có thể đạt được sớm nhất trên diện rộng vào năm 2030.
Từ nay đến năm 2030 năng lực ngoại ngữ của học sinh THPT chỉ đạt được bậc A2. Mặt khác, năng lực ngoại ngữ triển khai đối với các trường sau THPT phải tương ứng. Do đó, nếu đặt mục tiêu B1 bậc 3 cần phải có lộ trình, vì vừa qua có một số trường đặt ra mục tiêu này nên đã gặp khó khăn”.
Ngoài ra, các trường đã có môn học ngoại ngữ chuyên ngành cũng cần rà soát lại chương trình đào tạo, đồng thời tiếp tục xây dựng ngoại ngữ chuyên ngành.Bà Hữu cho biết hiện nay có nhiều hệ thống học liệu để xây dựng chương trình đào tạo cũng như chuẩn đầu ra, ngoài Thông tư 01 năm 2014, các giáo viên có thể tham khảo theo Khung tham chiếu Châu Âu CEFR và hệ thống học liệu tài liệụ tài liệu CEFR.
Theo bà Hữu, đây là một bước chuyển mới trước khi có thể dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ, chủ yếu bằng tiếng Anh.
Hiện nay, các trường đang đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên theo chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của trường, hoặc mời đơn vị đánh giá độc lập để đánh giá và công nhận chứng chỉ cho sinh viên. Bà Hữu cho rằng cả hai hình thức này đều phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhưng vẫn cần một bài thi đánh giá độc lập để có sự đánh giá tương đương trên toàn quốc.
Vì vậy, Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) sẽ có bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cũng như có lộ trình tổ chức thi để đánh giá năng lực ngoại ngữ trong thời gian tới.
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet