Cổ phiếu HAGL Agrico của Bầu Đức lên sàn từ tháng 7/2015 với mức giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, đến tháng 1/2016, cổ phiếu này cắm đầu giảm giá khi cả 2 công ty của bầu Đức cùng gặp khó khăn về thanh khoản do vay nợ lớn.
Hơn 1 năm nay, giá cổ phiếu HNG tụt xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng, thậm chí suốt nửa năm gần đây, cổ phiếu này chỉ còn 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai công bố đã chính thức được các ngân hàng giãn nợ, niềm tin vào cổ phiếu của Bầu Đức đã quay trở lại.
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, giá cổ phiếu HNG đã tăng khoảng 60%, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, HNG lên 10.050 đồng/cổ phiếu, chính thức trở lại mệnh giá. Đồng thời, HAG hiện cũng đã lên sát 9.000 đồng/cổ phiếu.
Biểu đồ giá cổ phiếu HNG.
Theo báo cáo hồi đầu năm, HAGL hiện vay ngắn hạn gần 6.600 tỷ và vay dài hạn gần 20.800 tỷ. Cơ cấu vay dài hạn của HAGL bao gồm hơn 12.000 tỷ là các khoản trái phiếu và nhiều trái phiếu sẽ đáo hạn ngay trong năm 2017, gây áp lực lớn về thanh khoản cho Bầu Đức.
Tuy nhiên, điều đáng mừng này là toàn bộ các khoản vay sắp đáo hạn này đều sẽ được gia hạn thêm vài năm nữa, có những khoản vay sẽ được gia hạn 2-3 năm, thậm chí có khoản vay sẽ được lùi tới năm 2026, tức 10 năm nữa HAGL mới phải trả nợ. Khoản vay được gia hạn lớn nhất nằm trong số 6.546 tỷ trái phiếu do HAGL phát hành cho BIDV và Công ty chứng khoán BSC.
BIDV chính là chủ nợ lớn nhất của HAGL và cũng chính là đơn vị chủ trì xử lý nợ cho HAGL vào giữa năm 2016.
Như vậy, trong số hơn 12.000 tỷ trái phiếu này, sớm nhất là năm 2019 Hoàng Anh Gia Lai mới phải thu xếp tài chính trả nợ và muộn nhất là tới năm 2026. Khi đó, nếu việc khai thác mủ cao su thuận lợi, đồng thời giá cao su trên thị trường thế giới hồi phục trở lại, bầu Đức hoàn toàn có khả năng trả lại vốn cho các chủ nợ của mình.
Nguồn tin: