Tin địa phương

Sau ngày Cocobay đổ vỡ, condotel Đà Nẵng 'chết lặng' kéo dài

Condotel từng nổi lên như một hiện tượng trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sau khi dự án Cocobay Đà Nẵng đổ vỡ kế hoạch kinh doanh và roi vào cảnh hoàng tàn từ cuối năm 2019 thì phân khúc này trở nên ảm đạm và chết lặng đến nay.

Môi giới, sàn giao dịch ngừng bán condotel

Tháng 11/2019, nhà đầu tư vào condotel trên cả nước lo lắng không yên khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô tuyên bố dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”.

Chủ đầu tư dự án này dừng trả thu nhập cam kết 12%/năm. Ngay sau đó, hàng nghìn nhà đầu tư đã chia thành nhiều nhóm khác nhau, ròng rã nhiều tháng trời đi đòi quyền lợi. Dự án Cocobay Đà Nẵng đang xây dựng dở dang cũng bỏ hoang từ đó đến nay.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô phát đi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng tại dự án này. Công ty cho biết, đang trong quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị các nguồn lực để khởi động dự án vào quý II/2024.

Dự án Cocobay Đà Nẵng.

Một khách hàng đã đầu tư 4 căn hộ condotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, rất bất ngờ khi nhận thông báo này.

Chủ đầu tư đưa ra hai phương án giải quyết hợp đồng. Một là nhận căn hộ ở dự án khác với số tiền đã nộp sẽ được khấu trừ khi bàn giao. Phương án thứ hai là bị chấm dứt hợp đồng và chờ đợi chủ đầu tư sắp xếp được tài chính để hoàn trả tiền.

“Chọn phương án đầu thì chưa biết bao giờ mới nhận được nhà. Chọn phương án hai thì lại tiếp tục mòn mỏi chờ đợi, cam chịu như lâu nay", khách hàng này nói và cho biết cả hai phương án mà chủ đầu tư đưa ra đều phập phù.

Ông Trần Trọng Vũ, Đồng sáng lập Đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R cho hay, phân khúc condotel ở Đà Nẵng gần như đã hoàn toàn mất niềm tin của nhà đầu tư sau vụ “vỡ trận” của Cocobay cho đến việc chủ đầu tư một số dự án chậm hoặc không chi trả cam kết lợi nhuận theo hợp đồng, chậm bàn giao vì lý do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đình Giáp - Giám đốc LandCorp cho hay, từ năm 2019, công ty ông không còn bán phân khúc condotel nữa vì đây không phải là thị trường mục tiêu công ty. Hiện công ty chỉ bán những sản phẩm sở hữu lâu dài.

Anh Bình, một môi giới bất động sản cũng cho biết lâu rồi anh không phân khúc condotel và hiện tại phân khúc này hầu như không có giao dịch.

“Bây giờ người ta không quan tâm đến condotel đâu, anh chị đừng nghiên cứu mua condotel nữa vì nó chỉ 50 năm khai thác thì hiệu quả rất kém”, anh Bình khuyên khi thấy chúng tôi về kỹ về phân khúc này.

Hàng tồn còn nhiều

Ông Trần Trọng Vũ cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng bắt đầu đi xuống sau vụ việc Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” năm 2019. Đến năm 2020, do dịch bệnh Covid khiến bất động sản nghỉ dưỡng gần như đóng băng và bắt đầu manh nha hồi phục vào đầu năm 2022. Đến giữa năm 2022, do các yếu tố kinh tế vĩ mô đã khiến thị trường trầm lắng trở lại.

Nguồn cung condotel tại thị trường Đà Nẵng hiện còn rất nhiều, một số dự án mở bán từ năm 2019 đến nay vẫn còn hàng tồn. Condotel bán lại trên thị trường chuyển nhượng thứ cấp có khá nhiều với giá thấp hơn giá bán mới của chủ đầu tư lên đến 30-40% nhưng thanh khoản rất chậm.

Báo cáo của DKRA đối với thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận cho hay, phân khúc condotel trong năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung sơ cấp, chỉ bằng 61% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ đã mở bán trước đó. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ chỉ bằng 3% so với năm 2022, giao dịch tập trung phần lớn ở những nhóm sản phẩm có giá bán dao động khoảng 3- 4 tỷ đồng/căn.

Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với năm trước. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận một số tin rao thứ cấp với mức giá giảm 10% - 15% so với giá bán trên hợp đồng đến từ những nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Nói về khó khăn mà phân khúc condotel đang phải đối mặt, ông Vũ cho hay, ngoài việc các nhà đầu tư mất niềm tin; về pháp lý, có Nghị định mới vẫn khó cấp sổ cho condotel và nếu có cấp sẽ diễn ra trong phạm vi rất hẹp.

ông Vũ phân tích, có 2 lý do dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là thiếu sự đồng độ và thống nhất về quy định và luật định. Thứ 2 loại hình này hiện đang được gọi chung chung là căn hộ du lịch (căn hộ dịch vụ v.v…), chưa có tên cụ thể và không được xem là dự án nhà ở. Cái khó ở đây là xác định công trình này là công trình kinh doanh bất động sản hay kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, nội tại của một doanh nghiệp bất động sản khi làm dự án nghỉ dưỡng phải rất mạnh và đầy đủ tiềm lực, nhưng đối mặt với nhiều khó khăn về huy động vốn, chi trả lãi suất cũng như lợi nhuận cam kết như hiện nay thì mọi doanh nghiệp đều phải "chật vật".

Tác giả: Khải Nguyên

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP