Kinh tế

Sau khi bán với giá 1.330 tỷ đồng, Công ty mía đường của Bầu Đức hiện ra sao?

Hơn một năm kể từ khi đổi chủ và đổi tên Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu, doanh nghiệp tiền thân của bầu Đức đang phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án ra nước ngoài.

Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu của bầu Đức phải giải trình nhiều vấn đề (Ảnh minh họa)

Mới đây, Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu của bầu Đức đã chính thức có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án tại Lào.

Căn cứ vào các quy định hiện hành, cơ quan này xác định doanh nghiệp chưa đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thậm chí một số thông tin cung cấp cũng chưa chính xác. Theo đó, Bộ có văn bản yêu cầu Mía đường TTC Attapeu bổ sung bản sao hợp lệ thông báo của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, văn bản cam kết bán 17,64 triệu đôla Mỹ của ngân hàng; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Cũng theo yêu cầu này, Mía đường TTC Attapeu cần rà soát lại hồ sơ để điều chỉnh cho thống nhất tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài; bản giải trình về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và địa chỉ chính xác của trụ sở công ty…

Liên quan đến nội dung điều chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Mía đường TTC Attapeu giải trình làm rõ sợ không thống nhất về số liệu tổng vốn đã đầu tư cho dự án được ghi trong các tài liệu; Báo cáo tài chính năm 2017 (hạch toán tổng vốn đầu tư cho Dự án là 749 tỷ đồng); Giấy đăng ký doanh nghiệp do phía Lào cấp (vốn đăng ký 280 tỷ KIP, tương đương 765 tỷ đồng); Bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (tình hình thực hiện vốn đầu tư ra nước ngoài với số vốn đã thực hiện là 1.899 tỷ đồng, tương đương 90 triệu đôla Mỹ).

Ngoài ra, theo yêu cầu, Công ty Mía đường TTC Attapeu cần giải thích rõ việc căn cứ xác định dự phòng đầu tư tài chính cho dự án 564 tỷ đồng tại báo cáo tài chính năm 2017; Việc sử dụng 5,38 triệu đôla Mỹ tương đương 116 tỷ đồng lợi nhuận thu được năm 2015 để tiếp tục đầu tư phù hợp với quy định. Đặc biệt là giải trình rõ trách nhiệm tài chính đối với Nhà nước trong việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty cổ phần Mía đường Hoàng Anh Gia Lai…

Theo nghị quyết về việc đầu tư chiến lược vào Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) hồi tháng 5/2017, Hội đồng quản trị của Đường Biên Hòa (BHS) và Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh – SBT) thống nhất chi ra 1.330,1 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp – tức 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Trong đó mua lại 99,99% vốn góp hiện do HAGL Agrico (HNG) sở hữu với giá 1.330 tỷ đồng và mua lại 0,013% vốn góp từ một cổ đông thiểu số với giá 110 triệu đồng.

Công ty mía đường sau khi đổi chủ có tên gọi Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu, trụ sở chính tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Sau giao dịch, BHS và TTC Tây Ninh sở hữu lần lượt là 60% và 40% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2007. HAGL Sugar là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam. Công ty này sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía tại Lào.

Cả BHS và TTC Tây Ninh là 2 công ty mía đường chủ lực trong hệ thống Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch. Sắp tới, BHS sẽ được sáp nhập vào TTC Tây Ninh để hình thành nên công ty mía đường lớn nhất cả nước với sản lượng mía đường chiếm 30% thị phần toàn ngành.

Tác giả: H.Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP