Đây là khẳng định của bà Vũ Thị Thanh Huyền, Giảng viên Trường Đại học Thương mại tại Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam" được tổ chức sáng nay (28/11) tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp điện tử, cả nội địa và FDI cho biết họ khó khăn trong liên kết với doanh nghiệp cung cấp linh kiện, hỗ trợ |
Theo điều tra của Trung tâm Phát triển DN Công nghiệp hỗ trợ (SIDEC, Bộ Công Thương), ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su. Các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty 100% vốn nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh.
Bà Huyền nhận định, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn.
“Đánh giá nhu cầu cao đối với các sản phẩm ngành điện tử sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển CNHT ngành điện tử trong nước, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chỉ từ 20-30%”, bà Huyền cho hay.
Con số lượng DN CNHT, theo SIDEC, năm 2017 sản xuất linh kiện điện - điện tử ở Việt Nam có 610 DN, tăng trưởng bình quân về số lượng DN giai đoạn 2011-2016 đạt gần 13,7%, phát triển nhanh, tỷ lệ DN sản xuất linh kiện/tổng số DN ngành điện tử chiếm khoảng 52,28%.
Về lý thuyết, để đảm bảo cung ứng tốt cho ngành lắp ráp, các DN sản xuất linh phụ kiện phải lớn hơn nhiều so với số DN lắp ráp, vì vậy, tỷ lệ này vẫn tương đối thấp và chưa hợp lý.
Theo điều tra của bà Huyền và nhóm nghiên cứu SIDEC trong mối liên hệ giữa Samsung và các DN CNHT ngành điện tử, hình thức hợp đồng chủ yếu của DN cung cấp CNHT với DN lắp ráp FDI (ở đây là Samsung) là hợp đồng theo từng đơn hàng.
"Điều này thể hiện tính liên kết yếu giữa các DN, trong đó, DN CNHT trong nước chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp các nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì, vật liệu, phụ tùng nhựa, kim loại; một số dịch vụ hậu cận như vận chuyển, vệ sinh, ăn uống... còn lại phần lớn do DN FDI đảm nhiệm", bà Huyền nói.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc công ty CP Hanel (Hà Nội) đặt vấn đề tại sao Việt Nam phát triển CNHT hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm họ đã có một CNHT phát triển mạnh. Phải chăng cần nhìn nhận lại mối liên kết giữa DN nội và DN FDI, liên kết giữa quản lý nhà nước và bộ ngành…
Ông này nói: Hiện nay các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn.
Ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Samsung, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của các DN FDI là khi đầu tư ở Việt Nam là không biết DN Việt có thể sản xuất công nghệ nào, quy mô ra sao nên chúng tôi cần có cơ sở dữ liệu của các DN, từ đó các DN FDI có thể tìm kiếm đối tác là nhà cung ứng.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí