Một khu vực biển ở Đà Nẵng bị xâm thực trong những ngày đầu năm 2021 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Chiều 13-1, Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng đã có buổi cung cấp thông tin theo dõi hiện tượng xâm thực, sạt lở bờ biển của ngành trong thời gian vừa qua.
Việc này diễn ra trong bối cảnh hiện tượng xâm thực nghiêm trọng quay trở lại trong những ngày vừa qua sau 2 năm tạm yên ắng. Trong khi đó, biển là thành tố chính làm nên bộ mặt địa phương và sức mạnh kinh tế.
Đại diện Chi cục Biển và hải đảo TP Đà Nẵng cho biết từ năm 2017, khi có hiện tượng nước biển xâm thực vào bờ, đơn vị này đã tiến hành ghi nhận, theo dõi. Qua theo dõi, nhận định hiện tượng này xảy ra vào những thời điểm có thời tiết cực đoan.
Cụ thể, hiện tượng xâm thực nặng diễn ra vào những năm miền Trung đón bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc. Tuy nhiên đến mùa hè thì biển lại mang cát vào trả lại cho bờ.
Đơn vị này cho rằng qua quá trình theo dõi có thể thấy hiện tượng sạt lở bờ ở Đà Nẵng không giống như ở Hội An và "vẫn đang theo dõi, vẫn trong tầm kiểm soát".
Hiện chi cục này đang theo dõi, ghi nhận số liệu 34 đoạn bờ có khả năng sạt lở để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu và đánh giá hiện tượng.
Trả lời câu hỏi về giải pháp đối với hiện tượng sạt lở liên tục trong những năm qua, ông Võ Nguyên Chương, phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng, cho rằng về lâu dài vẫn cần phải có những đánh giá tổng quan, đảm bảo cơ sở khoa học, nhất là các yếu tố tác động khác trong mối quan hệ vùng, từ đó mới có giải pháp căn cơ giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xâm thực.
"Đây là hoạt động chuyên môn sâu nên sở đã đề xuất với thành phố cần có sự tham gia của các nhà khoa học để tiến hành nghiên cứu thêm, từ đó có giải pháp chủ động giảm thiểu tác động của hiện tượng trên" - ông Chương nói.
Một trong những giải pháp trước mắt để tránh thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng của thành phố là việc sớm hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong đó bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn dài hạn và khoảng cách thích ứng với nước biển dâng, trên cơ sở đó xác định độ rộng của hành lang bảo vệ bờ biển.
"Một khi có hành lang bảo vệ bờ biển thì chúng tôi sẽ đề xuất nghiêm cấm cách hoạt động xây dựng các công trình mới để đảm bảo tránh được thiệt hại về cơ sở hạ tầng mà vẫn hài hòa giữa phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai" - ông Chương nói.
Tác giả: TRƯỜNG TRUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ