Kinh tế

Sắp áp giá bán điện cho hoạt động 'đào' tiền ảo ở Việt Nam?

NHNN cho rằng quy định của pháp luật hiện chưa công nhận tính hợp pháp đối với tiền ảo, nên việc thực hiện giá bán lẻ điện cho hoạt động "đào" tiền ảo là chưa phù hợp.

Liên quan tới việc hướng dẫn áp giá bán điện cho hoạt động “đào” tiền ảo mà Bộ Công Thương đưa ra, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có ý kiến cho rằng đề xuất này chưa có đủ cơ sở pháp lý trong tình hình hiện nay.

NHNN đề nghị cân nhắc

NHNN cho rằng hiện Bitcoin, Ether và các loại tiền ảo tương tự chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, nên việc hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện cho hoạt động này là không phù hợp.

NHNN cũng chính là cơ quan nhiều lần phát đi thông báo khẳng định các đồng tiền kỹ thuật số này, không phải đồng tiền pháp định theo quy định pháp luật Việt Nam, và việc sử dụng chúng để thanh toán cũng là không hợp pháp. Tuy nhiên, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để có cơ sở quản lý các loại tiền kỹ thuật số này.

Vì vậy, NHNN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cân nhắc việc đưa nội dung “Hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như bitcoin, litecoin, ethereum và một số đồng tiền tương tự khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động mang tính chất làm dịch vụ thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua bán trên mạng” vào dự thảo thông tư quy định về thực hiện giá bán điện áp dụng cho tiền ảo do chưa có cơ sở pháp lý đối với loại hình kinh doanh này.

Hoạt động đào bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số đã bùng nổ mạnh tại Việt Nam từ năm 2017. Ảnh: Xuân Tiến.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người sử dụng hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động để phục vụ cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như Bitcoin, Litecoin, Ethereum và một số đồng tiền ảo tương tự khác. Theo Bộ Công thương, điện năng sử dụng cho hoạt động "đào" tiền ảo thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện kinh doanh.

Theo quy định hiện nay, giá bán lẻ điện cho kinh doanh được chia theo giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm, tương ứng ở cấp điện áp trên 22 kV là 2.254 đồng/kWh - 1.256 đồng/kWh - 3.923 đồng/kWh; ở cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV là 2.426 đồng/kWh - 1.428 đồng/kWh - 4.061 đồng/kWh và ở cấp điện áp dưới 6 kV là 2.461 đồng/kWh - 1.497 đồng/kWh - 4.233 đồng/kWh. Trong khi đó, giá điện sinh hoạt hiện ở mức 1.549 đồng/kWh - 2.701 đồng/kWh cho bậc lũy kế cao nhất.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực triển khai thực hiện giá bán điện cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo/tiền điện tử dựa trên văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Một chuyên gia về công nghệ thông tin từng nói với Zing.vn, hiện chi phí mua một máy đào tiền ảo vào khoảng 80-100 triệu đồng. Trong khi đó, giá tiền ảo đang có xu hướng lao dốc và hầu hết đã giảm 50-60% so với giá đỉnh hồi đầu năm 2018.

“Bitcoin cũng lao từ hơn 22.000 USD xuống nay chỉ đâu đó 8.000-9.000 USD, hay Ether cũng giảm từ 1.400 USD xuống chỉ còn dưới 500 USD, Bitcoin cash cũng mất đâu đó cỡ 80% chỉ trong vài tháng qua. Rõ ràng hoạt động đào tiền ảo không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nữa”, vị này nói.

Nếu phải chịu thêm chi phí giá điện kinh doanh, lợi nhuận hoạt động này sẽ sụt giảm rất nhiều, thậm chí không có lợi nhuận.

Đợi khung pháp lý, dự kiến trong tháng 8 xong đề án

Hiện tại, các hoạt động liên quan tới tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa được quy định trong đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật đối với loại tiền tệ này. Theo dự kiến, việc lập đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, thời gian hoàn thành dự kiến ngay trong năm 2018.

Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự đã giảm giá rất mạnh từ đầu năm 2018. Nguồn: Coinmarketcap .

Nhiều đại biểu Quốc hội lại đề xuất Việt Nam cần sớm luật hóa giao dịch các loại tiền kỹ thuật số này, để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế, và có thể thu thuế.

Theo các vị này, thực tế các giao dịch mua bán tiền ảo vẫn diễn ra, dù có hay không có luật và hoạt động này có sự giao dịch thương mại, có lợi nhuận, vì vậy cần phải thu thuế. Ngoài ra, việc mua bán đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự, cần có chính sách để giám sát và bảo vệ quyền lợi của những người liên quan.

Mới đây, Bộ Tài chính cùng một số bộ ngành chức năng đã đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với máy đào tiền ảo. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay chỉ trong năm 2017, đã có 2.470 máy "đào" tiền ảo có xuất xứ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: giá bán điện , tiền ảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP