Nguyễn Ngọc Sinh - SV năm 3, ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng vừa được Giải thưởng "Sao Tháng Giêng" của Hội Sinh viên Việt Nam vinh danh |
Giải thưởng “Sao Tháng Giêng” 2017 của Hội Sinh viên Việt Nam vinh danh Nguyễn Ngọc Sinh (SV năm 3, khoa Điều dưỡng, ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng). Thế nhưng, những ngày đầu tháng 1 vừa qua, Sinh đã không ra Hà Nội để nhận giải thưởng như các bạn cùng được vinh danh, bởi điều kiện của em không đủ khả năng chi phí đi lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội.
Ngày trước, bố mẹ Sinh cùng đi làm thuê để lo cho các con ăn học. Nhưng mấy năm gần đây, từ sau tai nạn giao thông, bố Sinh không đủ sức lao động nặng nhọc. Ở nhà, chỉ có mẹ Sinh làm bảo mẫu, lo cho gia đình. Sinh có hai em gái. Một em đang học lớp 10. Một em nữa học xong lớp 12 đã sớm rời quê nhà ở Quảng Ngãi để vào TP.HCM làm thêm, tự lo cho mình và đỡ đần phần nào cho bố mẹ.
Sinh kể, khi cả bố mẹ đều còn đi làm, bố mẹ đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nên mọi việc nhà từ nấu cơm, chăn bò ở nhà mấy anh em đều chia nhau làm. Mà cô em gái kế của Sinh là giỏi từ nhỏ. Bây giờ em đi làm ở TP.HCM vất vả vậy mà vẫn dành dụm gửi tiền về phụ bố mẹ và anh. Còn Sinh, những ngày lễ Tết về quê, em lại theo mẹ phụ nấu ăn, phục vụ cho các đám tiệc.
Là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm phổ thông, thi đỗ vào ngành Công nghệ Sinh học và học ở TP.HCM được 2 năm, nhưng thấy ngành học không phù hợp, Sinh đã quyết ý ôn thi lại và đỗ vào ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng.
“Em theo ngành học Điều dưỡng như một cái duyên. Và vừa học kiến thức chuyên ngành, vừa thực tập ở các bệnh viện, em càng thấy mình thích được chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, cảm thấy được ý nghĩa ngành nghề mà mình đang theo học” - Sinh chia sẻ
Sinh (thứ hai, từ trái sang) và các bạn học ở khoa Điều dưỡng - ngành học mà Sinh cảm thấy có duyên với niềm vui chăm sóc bệnh nhân |
Có những hôm trực đêm ở bệnh viện, thấy người bệnh kêu la đau đớn, Sinh không nề hà vất vả chăm sóc bệnh nhân suốt đêm. Mới đây, khi học ở bệnh viện, thấy tình cảnh của cha con cháu bé ở huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Sinh rất thương. Mẹ cháu bé đã mất do sạt lở núi. Hai cha con cũng bị thương do không chạy thoát kịp khi núi lở ập xuống. Người cha nằm viện không kham nổi chi phí. Cháu bé thì cứ hoảng loạn kêu mẹ. Sinh đã kêu gọi các bạn vẫn thường tham gia công tác Đoàn, công tác thiện nguyện cùng mình và các mạnh thường quân giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn đó.
Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Sinh vẫn luôn tìm cách san sẻ, giúp người gặp khó với lòng đầy nhân ái |
Khi gặp chúng tôi, Sinh cũng tranh thủ thời gian từng chút để chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện mang xuân yêu thương đến với bà con và các em học sinh ở xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Ngãi).
“Lần trước em về xã. Nửa đêm thức giấc trời lạnh ngắt vậy mà nhìn sang các em nhỏ ở đây, thấy các em nhỏ ăn mặc rất phong phanh. Em đi lên các nóc ở xã, nhà dân cách xa nhau, và nhà cửa rất là tạm bợ. Nghĩ mình khó còn có những người khó hơn như thế này đây. Nên em tâm niệm khi nào làm được sẽ tổ chức một chuyến mang xuân yêu thương về với bà con” - Sinh kể.
Lịch học ở trường và bệnh viện gần như kín mít. Thế nhưng vừa giữ học lực giỏi, Sinh vừa sắp xếp thời gian tham gia công tác Đoàn, và công tác tình nguyện san sẻ yêu thương, giúp người gặp khó. Việc thức đến 3-4 giờ sáng, chỉ nằm ngủ vài ba giờ đồng hồ lại dậy với Sinh là bình thường. “Nhiều bạn nói em tham công tiếc việc, nhưng tính em như rứa, đã nhận việc chi là em ráng lo cho chu toàn, đâu ra đó, cả khi học, cả khi tổ chức các chuyến đi tình nguyện, các hoạt động Đoàn” - Sinh nói
Dù cũng có người cho rằng chỉ nên lo tập trung việc học, còn tham gia công tác Đoàn, hội chỉ mất thời gian, công sức mà không thấy rõ ích lợi gì. Nhưng Sinh không nghĩ vậy. Lúc mới vào trường, các thầy cô còn có ý ngại chàng sinh viên gầy nhom, hiền lành, khó xông xáo, xốc vác công tác Đoàn, nhưng Sinh vẫn xung phong.
“Em nghĩ tham gia công tác Đoàn, công tác xã hội là cách để mình rèn luyện kỹ năng sống. Ví dụ như tổ chức những sự kiện, hoạt động nào thì mình liên hệ gặp ai, cơ quan nào, lên kế hoạch tổ chức như thế nào cho đâu ra đó. Và trong công tác thiện nguyện, được san sẻ yêu thương, giúp người gặp khó, kêu gọi được nhiều người cùng chung tay với mình, thấy mình có được niềm vui. Trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh, lúc này lúc khác, mình giúp người khi này, lại có người giúp mình khi khác, mọi người xung quanh cùng quan tâm, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống, rất ý nghĩa” - “Sao Tháng Giêng” giàu lòng nhân ái ở ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng chia sẻ tâm tư.
Tác giả: Khánh Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí