Kinh tế

Sa sút vì lỗ “khủng”, cổ phiếu “vua cá” Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát

Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố việc đưa cổ phiếu Công ty CP Hùng Vương (mã HVG) vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/01/2018.

Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt là -49,3 tỷ và -712,96 tỷ đồng (căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất).

Cổ phiếu HVG sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều) kể từ ngày 26/1/2017. Căn cứ giải trình của công ty, HoSE sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian, dù vẫn là chứng khoán bị kiểm soát.

Trước đó, HVG đã bị đưa vào danh sách chứng khoán thuộc diện cảnh báo từ ngày 6/6/2017 do công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm.

HVG mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính 2016-2017, bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau.

Theo đó, doanh thu năm 2017 đạt 15.514 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2016. Đặc biệt, trong năm công ty chi hơn 756 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, đây là mức tăng đột biến gấp 2,8 lần số tiền chi ra trong năm 2016. Nguyên nhân do doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ hơn 70 tỷ đồng.

Kết thúc năm tài chính 2016-2017, Thủy sản Hùng Vương ghi nhận số lỗ lũy kế đến 30/9/2017 hơn 423 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 11.378 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 10.678 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn (9.868 tỷ đồng).

Trong báo cáo, kiểm toán cho biết: Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty gần 424 tỷ đồng; tổng nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn ngắn hạn gần 820 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG..

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, cổ phiếu HVG giảm xuống 7.400 đồng/cp. Từ đầu năm 2017, HVG giảm sâu đến giữa tháng 11/2017 và bật tăng trở lại sau đó khoảng hơn 40%.

Về hoạt động kinh doanh của HVG, sau một năm kinh doanh thua lỗ, Công ty đã liên tục phải đem các công ty con ra bán. Trong một quyết định gần nhất, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT HVG đã quyết định thoái hơn 50% vốn (trong tổng cộng hơn 90% đang sở hữu) khỏi Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) do tài chính không đủ mạnh. Giao dịch dự kiến được hoàn tất trước ngày 15/02/2018.

Hồi tháng 8/2017, HVG cũng đã phải thoái vốn và giải thể công ty con là Công ty Địa ốc An Lạc, đồng thời đem hơn 20.000m2 đất ra bán để tập trung nguồn lực phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP