Xã hội

Rút ruột lòng sông

Thượng nguồn hai hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn đi qua địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) có đến 18 mỏ cát. Mỗi ngày, hàng chục ngàn mét khối cát được rút từ lòng sông.

Một bãi tập kết rác bên dòng sông Thu Bồn đoạn qua địa bàn huyện Đại Lộc

Gây sạt lở nghiêm trọng

Dọc triền sông Vu Gia đoạn chảy qua địa phận xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc) là những bãi bồi với diện tích lớn. Triền sông trở thành đất canh tác bắp, thuốc lá và hoa màu mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nơi đây.

Thế nhưng mấy tháng qua, dòng Vu Gia ngày càng ăn sâu vào đất liền, đe dọa khu dân cư sống dọc sông, đoạn từ chân cầu Hà Nha đến bến phà cũ. Không những vậy, sạt lở cũng đe dọa sự an nguy của cây cầu Hà Nha, nối tuyến quốc lộ 14B từ Đà Nẵng đi đường Hồ Chí Minh.

Ngay bên dưới chân cầu Hà Nha là 3 mỏ cát lớn của Công ty Nguyên Thịnh Phát, Thành Sơn và Hồng Nguyên nằm nối tiếp nhau dọc bờ sông Vu Gia. Đường vào các mỏ cát được chắn bằng barie có người canh giữ. Trên bờ, những bãi tập kết cát lớn với hàng trăm lượt xe tải ra mỗi ngày vào chở cát ra bán tại Đà Nẵng.

Trên sông, các máy hút cát công suất lớn chọc vòi rồng xuống tận lòng sông để rút ruột. Dọc triền sông là những bờ vực sâu, hậu quả của việc hút cát gây sạt lở. Bãi bồi rộng trồng hoa màu nay trở thành bãi cát hoang vắng, nham nhở những điểm sạt lở. Những điểm này chỉ cách đất canh tác của người dân và khu dân cư chỉ vài chục mét.

Theo người dân nơi đây, 3 mỏ cát hoạt động khoảng 3 năm trở lại đây. Anh Võ B., một người dân xã Đại Đồng, cho biết: Đã nhiều năm qua, mỗi ngày có hàng chục ghe tàu loại lớn đến đây hút cát. Xe tải loại lớn nối đuôi nhau đến lấy cát chở đi.

Anh Võ Ngọc H., người dân xã Đại Đồng lo lắng, nếu như giữa mùa khô mà xảy ra tình trạng sạt lở thì đến mùa mưa, lũ về sẽ sạt lở mạnh hơn nữa, đe dọa các khu dân cư gần đó. Ông Đầu Thanh V., người dân thôn 5 cho biết, người dân nơi đây nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng hút cát vẫn tiếp diễn.

Cho đến nay, một đoạn sông Vu Gia chảy qua địa phận xã Đại Đồng bị sạt lở nặng đã được chính quyền địa phương huy động doanh nghiệp và người dân dùng cọc tre, bao cát làm kè tạm. Tuy nhiên, theo người dân, kiểu kè tạm như hiện nay chỉ để “chơi” chứ không có tác dụng gì.

Đề nghị cắt giảm mỏ khai thác

Trong khi đó, trên sông Thu Bồn, đoạn cầu Giao Thủy, giáp ranh huyện Đại Lộc và huyện Duy Xuyên, mỗi ngày có gần 20 tàu khai thác cát với khối lượng lớn, chở cát từ phía địa bàn xã Duy Hòa (Duy Xuyên) về tập kết bên địa bàn xã Đại Hòa (Đại Lộc). Người dân nơi đây cho biết, việc khai thác cát tại bãi bồi phía Tây cầu Giao Thủy không chỉ đe doạ đến sự an nguy của cây cầu vào mùa mưa lũ mà còn gây sạt lở đất canh tác của người dân.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) cho biết, mỏ cát phía Tây cầu Giao Thủy là của Công ty Phạm Thăng Long, được cấp phép từ cuối năm 2015, nhưng đến tháng 3-2016 mới bắt đầu khai thác. Theo giấy phép do tỉnh Quảng Nam cấp, mỏ cát này khai thác 32.000m3/năm, trong thời gian 5,5 năm.

Nói về nguy cơ gây sạt lở, ông Hùng cho biết, trước đây khi tỉnh cho phép khai thác mỏ cát này đã gặp sự phản đối rất lớn từ người dân địa phương. Tuy nhiên, vì xã đã giải thích nên người dân không còn phản đối nữa. Địa phương cũng đề nghị với huyện, tỉnh, nếu trong quá trình khai thác cát mà xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông thì phải dừng ngay.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 18 mỏ cát được cấp phép. Trong đó, 3 mỏ cát trên địa bàn xã Đại Đồng hút cát gây sạt lở nên huyện đã cho đình chỉ hoạt động, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh Quảng Nam sau đó chỉ đạo làm kè tạm để ngăn sạt lở.

Ông Trần Văn Mai cũng cho rằng, việc địa bàn huyện Đại Lộc có đến 18 mỏ cát được cấp phép là quá nhiều. Nhiều doanh nghiệp khi khai thác không thực hiện bài bản, không có trách nhiệm dẫn đến tình trạng sạt lở.

Mỗi năm huyện Đại Lộc thu ngân sách từ 18 mỏ cát trên địa bàn không bao nhiêu, trong khi tiền xây dựng kè chống sạt lở quá lớn (tiền thu ngân sách từ 18 mỏ cát chỉ được 6 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư xây dựng 1km kè sông mất 25 tỷ đồng). Huyện Đại Lộc đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét chỉ cấp phép hoạt động cho một số doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, số còn lại phải rút giấy phép hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân.

Điều đáng lo ngại hiện nay là UBND tỉnh Quảng Nam là đơn vị cấp giấy phép khai thác nhưng công tác hậu kiểm lại giao cho địa phương quản lý, dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc.

Tác giả: NGUYÊN KHÔ

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: lòng sông , mỏ cát , Quảng nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP