Kinh tế

Rao bán 84 biệt thư FLC Sầm Sơn để thu nợ, giá 550 tỷ đồng

Gần đây, nhiều ngân hàng rao bán các khoản nợ được thế chấp bằng các dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng với mục đích thu hồi nợ.

Khu đô thị FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: FLC).


Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất đối với 84 căn biệt thự thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa (Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn - FLC Sầm Sơn Golf Links).

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng này có quy mô 300 ha và tổng mức đầu tư 12.088 tỷ đồng. Toàn bộ 84 căn biệt thự nói trên sẽ được bán chung, không bán riêng lẻ. Giá khởi điểm gần 550 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn so với giá khởi điểm 610 tỷ đồng được đưa ra vào đầu tháng 9.

Gần đây, Agribank liên tục rao bán các khoản nợ thế chấp bằng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn.

Chẳng hạn, Agribank Chi nhánh Đống Đa ngày 4/10 thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) - chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang. Giá khởi điểm cho khoản nợ ở đợt rao bán lần này là gần 1.031 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 9.

Trước đó, Khu A thuộc Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia cũng được một ngân hàng lớn rao bán để thu hồi khoản nợ 540 tỷ đồng của Marina Hotel.

Dự án Trung tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia. (Nguồn: Nhà Đầu tư)

Đầu tháng 8, Agribank chi nhánh Tràng An đã rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4.

Agribank còn rao bán lần thứ 3 khoản nợ của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc, với giá khởi điểm gần 253 tỷ đồng. Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Đây là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được khởi công chính tức vào cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 7, Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai cũng thông báo đấu giá tài sản bảo đảm là toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh; Tre Xanh Plaza; Hầm đậu xe, cổng tường rào và các thiết bị đi kèm công trình xây dựng tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích đất 2.733,57m2.

Một ngân hàng khác là VietinBank vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.

Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015-2018. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất vào tháng 7/2023,…

Trước đó, VietinBank cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự tại Hội An, Quảng Nam với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, VietinBank cũng siết nợ hàng loạt khách sạn 4-5 sao, homestay, biệt thự tại các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang... Đơn cử, tại Đà Nẵng, có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm 2022.

Việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng hiện nay không hề dễ dàng. Nguồn tiền bị siết chặt, thị trường bất động sản trầm lắng với thanh khoản xuống thấp khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thêm khó khăn, nhất là những tài sản giá trị lớn như dự án du lịch nghỉ dưỡng.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP