Mô hình nuôi chim cút của ông Cao Văn Khải
Qua tìm hiểu thị trường nhận thấy chim cút là loại con dễ nuôi, chi phí ít, hiệu quả kinh tế cao mà ở huyện Quỳnh Lưu lại rất ít người nuôi. Do vậy, ông Khải đã đi tham khảo cách chăm sóc chim cút ở các trang trại lớn trong và ngoài tỉnh. Sau đó, ông về tự mày mò, nghiên cứu thêm về đặc tính của con chim này và bắt đầu mua giống ở các tỉnh phía Bắc về thả nuôi. Cứ mỗi đợt, ông nuôi khoảng 3.000 con. Đối với chim cút quan trọng nhất là thời gian úm chim con, do vậy ông Khải luôn chú trọng theo dõi để có chế độ điều chỉnh đảm bảo đủ nhiệt độ 370C. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ theo đúng quy định để phòng trừ dịch bệnh nhằm tránh làm thất thoát về con giống. Bên cạnh đó, sau khi chim được 30 ngày tuổi ông cho chim lên sàn nuôi được làm bằng lưới sắt nhỏ, với 3 tầng khác nhau. Như vậy, với 4 sàn nuôi gia đình chia đều gần 800 con/ sàn để tỷ lệ con trong sàn không quá dày. Hơn nữa, thường xuyên vệ sinh, xử lý sàn nuôi để đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. Nhờ việc tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển nên chim cút của gia đình ông luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Khi chim được 30 – 40 ngày, ông tiến hành lựa những con chim cộc ra bán thịt phục vụ cho thị trường nội địa trong xã. Còn đối với chim mái ông để lại cho đẻ trứng. Chỉ trong vòng từ 42 – 45 ngày tính từ lúc úm chim con thì chim cút mái bắt đầu sinh sản. Và sau 1 năm khi chim đã đẻ kém thì gia đình thải để bán chim thịt và nuôi lớp mới.
Chim cút thường dễ nuôi, chi phí và thời gian chăm sóc ít mà hiệu quả kinh tế cao
Hiện tại, trong sàn nuôi của ông có hơn 1.000 con chim cút sinh sản. Mỗi tháng, ông bán từ 6 – 7 vạn quả trứng cút, cho thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng. Thị trường bán chủ yếu ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu… Bên cạnh nuôi chim cút thì gia đình ông nuôi 1.000 con vịt đẻ và 2.000 m2 diện tích nuôi cá truyền thống. Để cung cấp nguồn giống cho các hộ có nhu cầu ông còn mua 3 máy ấp trứng vịt và chim cút, mỗi năm bán ra thị trường hàng vạn con giống. Với sự năng động, nhạy bén về con giống, phương thức nuôi nên mỗi năm sau khi trừ chi phí cho gia đình ông thu lãi 100 triệu đồng.
Mỗi tháng gia đình ông Khải xuất bán ra thị trường từ 6 – 7 vạn quả trứng cút
Ông đầu tư mưa máy ấp trứng vịt và trứng chim cút phục vụ nhu cầu về con giống cho thị trường.
Bà Chu Thị Ngọc – Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang cho biết: “Đây là một mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, xã cũng đánh giá cao về tư duy, sự nhạy bén trong việc tìm hiểu đưa con giống mới về nuôi trên địa bàn đối với nông dân Cao Văn Khải. Hiện xã đang có phương án khuyến khích các nhân dân ở các thôn xóm nhân rộng mô hình này ra, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân. ”.
Tác giả bài viết: Hồng Diện (Đài Quỳnh Lưu)
Nguồn tin: