Kinh tế

Quỳnh Lưu: Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa

Là huyện có tổng đàn gia súc gia cầm tương đối lớn, những năm trước dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại về kinh tế cho bà con. Tuy nhiên trong 3 năm gần đây nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như tuyên truyền người dân chú trọng tiêm phòng gia súc gia cầm, mở nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, thú ý cho người dân, vì thế mà sức khỏe đàn vật nuôi được bảo vệ nhất là trong thời điểm giao mùa.

Hạn chế chăn thả rông gia sức trong thời tiết mưa bão


Huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng trên 26 nghìn con trâu bò, gần 45 nghìn con lợn và trên 1 triệu con gia cầm các loại. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường trong huyện hơn 11 nghìn tấn thịt tươi. Tuy nhiên bước vào thời tiết giao mùa khi nhiệt độ thay đổi nóng lạnh thất thường, độ ẩm thấp, chuồng trại thiếu ánh sáng gây nguy cơ tiềm ẩn các ổ dịch như long móng lở mồm ở trâu bò, tụ huyết trùng ở lợn và cúm H5N1 trên đàn gia cầm đe dọa sức khỏe và chất lượng thịt của vật nuôi. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xảy ra, huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi. Ngoài việc tăng cường bổ sung các loại thức ăn tinh, thô và thức ăn xanh để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi thì huyện yêu cầu phòng Nông nghiệp, Trạm thú y và 33 xã thị trấn thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng gia súc gia cầm vụ thu, tăng tỷ lệ vật nuôi được tiêm vắc xin phòng dịch, triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới các hộ dân. Ông Đậu Đăng Định – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: Triển khai tiêm phòng vụ thu thì chúng tôi cũng đã cho anh em thú y xuống tận cơ sở để năm bắt tổng đàn thực tế để có 1 cách tiêm phòng khả quan hơn sơ với những năm trước đây. Vừa rồi chúng tôi cũng nhận được công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An về xuất hiện dịch cúm tại nghi lộc thì chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chăn thả gia súc vào mùa mưa bão, thứ 2 là không mua những con gia súc non.

Nên nuôi nhốt gia sức và tăng cường thức ăn tinh bột và cỏ xanh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi


Những năm trước do chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên người chăn nuôi thường không chú trọng tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm chỉ vì sợ tốn tiền. Tuy nhiên năm nay với chính sách hỗ trợ 50% tiền thuốc/1 mũi tiêm, cùng với đó người dân đã hiểu được tác hại của dịch bệnh không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe của vật nuôi và có nguy cơ đe dọa tính mạng của người dân như cúm H5N7…nên tỷ lệ tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng nâng lên rõ rệt hơn 70% tổng đàn. Nhiều gia trại, trang trại có quy mô lớn ngoài liều lượng vắc xin theo chiến dịch còn mua thêm các loại kháng sinh, vitamin bổ sung vào thức ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng kháng lại dịch bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó mà trong 3 năm nay dịch bệnh trên đnà gia súc gia cầm trên địa bàn huyện ta được hạn chế, thu nhập từ chăn nuôi của người dân được nâng lên. Anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn 4, xã Quỳnh Tân cho biết: Toàn xã có khoảng 200 mô hình chăn nuôi tổng hợp chủ yếu bò vỗ béo, gà vịt và lợn. Những năm trước đây do ý thức của người dân còn hạn chế nên việc tiêm phòng chỉ là đối phó. Tuy nhiên sau đợt dịch long móng lở mồm và cúm H5N1 vào năm 2012 Quỳnh Tân thiệt hại hàng nghìn vật nuôi, nhiều gia đình trắng tay, từ đó ý thức của người dân chuyển biến tích cực, từ chỗ đối phó nay các hộ chủ động trong việc tiêm phòng cho vật nuôi. Các hộ dân trong hội chăn nuôi vừa và nhỏ trên địa bàn còn thường xuyên trao đổi khoa học, kỹ thuật chăn nuôi cũng như chia sẻ các loại thức ăn, thuốc uống tốt cho gia súc gia cầm. Trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Đạt nói thêm: “Chăn nuôi chú trọng cách chăm sóc và phòng dịch là chính. Nếu anh mà chăm sóc không tốt phòng dịch không tốt thì con vật nó sẽ ốm. Mà khi vật nuôi không khỏe thì phát triển không tốt thì đem lại thu nhập thấp. Cho nên tốt nhất là khoa học kỹ thuật để mà chăm sóc.”

Đối với gia cầm như gà cần bắc thêm sàn thoáng mát, chống ẩm thấp.


Với sự nỗ lực của các ban, ngành trong việc tăng cường các biện pháp tiêm phòng cho đàn vật nuôi cùng với ý thức phòng bệnh của người dân ngày càng được nâng cao, lĩnh vực chăn nuôi của huyện tiếp tục phát triển đảm bảo thịt tươi khi xuất chuồng đạt chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đặc biệt là tăng hiệu quả kinh tế cho người dân./.

Tác giả bài viết: Như Thủy (Đài Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP