Trong nước

Quyết giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Dù liên tục bị gây khó dễ khi đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khiến sản lượng thủy hải sản sụt giảm, ngư dân vẫn quyết bám biển đến cùng

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung bộ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết hàng loạt tàu cá của tỉnh Khánh Hòa đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị sụt giảm sản lượng. Mỗi chuyến biển ngư dân đem về không quá 20 con cá ngừ đại dương.

Lỗ trăm triệu vẫn ra khơi

Sản lượng cá ngừ đại dương vẫn tiếp tục sụt giảm từ 60%-70%. Ngay cả các chủ vựa thu mua cá ngừ cũng trả không thuê mặt bằng ở cảng Hòn Rớ vì không có cá để nhập.

Chủ tàu cá KH-98246TS là ông Mai Thành Phúc cho biết chuyến đi biển vừa qua, tàu ông đi cánh Nam huyện đảo Trường Sa chỉ câu được khoảng 10 con cá ngừ. Tháng 8, tàu ông đánh được 4 con. Còn tàu cá KH 99146, ông giao cho con trai đi 2 chuyến biển cũng chỉ đem về khoảng 20 con. Chỉ 4 chuyến biển gần đây, ông đã lỗ gần 200 triệu đồng.

Theo Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang, nghiệp đoàn có 34 tàu khai thác cá ngừ đại dương với 6 tổ đội. Vừa qua, 34 tàu đi biển về thì đến 32 tàu đã lỗ. Các tàu hiện rất khó khăn vì mỗi lần đi biển phải ứng trước cho bạn mỗi người 5 triệu đồng, nếu chuyến đi không thành công thì chủ tàu rất khó đòi. Dù khan hiếm cá, chủ vựa đã tăng giá khoảng 3.000 đồng/kg nhưng giá này cũng không đáng kể so với chi phí ngư dân bỏ ra.

Cùng cảnh ngộ, ông Võ Cường, chủ tàu KH-92818TS, kể rằng gần đây, tàu cá Trung Quốc đổ xuống đánh bắt rất nhiều, thậm chí đi vào tận vùng lộng của Việt Nam. Tàu Trung Quốc có giàn đèn mấy trăm cái; khi bật đèn thì sáng cả vùng biển, cá theo luồng sáng mà đến. Thành ra, tàu ngư dân đành phải đi chỗ khác đánh bắt.

Ngư dân Khánh Hòa quyết ra khơi bám biển Ảnh: KỲ NAM

Ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi chuẩn bị lương thực cho chuyến đi biển. Ảnh: TỬ TRỰC

Tỉnh Khánh Hòa hiện có 10.000 tàu cá, trong đó trên 1.200 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa - đã nghe ngư dân phản ánh tình trạng tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến vào ngư trường Trường Sa những năm gần đây.

Đưa tàu cá với số lượng lớn như một chiến dịch khiến sản lượng đánh bắt của ngư dân Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa và Hội Nghề cá Việt Nam đã nêu ý kiến phản đối và đề nghị nhà nước có chính sách về ngoại giao, yêu cầu chấm dứt hành động nêu trên của phía Trung Quốc.

Ngư trường cha ông, sao bỏ được!

Theo ngư dân Nguyễn Thuận (chủ tàu vỏ gỗ lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, số hiệu KH-97777TS với công suất 1.100 CV), các tàu cá của Trung Quốc thường đi chung với tàu hải giám nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. "Tuy vậy, chúng tôi không sợ mà càng phải ra khơi bám biển. Mong rằng cơ quan chức năng như kiểm ngư, cảnh sát biển... cùng hỗ trợ, đồng hành với ngư dân" - ông Thuận đề nghị.

Nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định... trong những ngày qua vẫn ra khơi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp thông tin khoảng 18.000 tàu cá của Trung Quốc tràn xuống biển Đông sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương của nước này kết thúc hồi giữa tháng 8.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hiện 100 tàu với hơn 700 đoàn viên trong nghiệp đoàn vẫn đánh bắt như thường lệ, vẫn ra khơi trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thuyền trưởng Võ Bá Nha (34 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi; chủ tàu QNg-90045TS) kể rằng tàu của anh đã nhiều lần bị Trung Quốc đập phá tài sản, ngư lưới cụ.

"Nếu chuyến biển nào bị tàu Trung Quốc phá tài sản, khi trở về có đi vay, đi mượn hay bán nhà cũng phải sửa lại tàu tiếp tục ra Hoàng Sa. Đó là nơi nuôi sống mình, gia đình bao thế hệ ngư dân chúng tôi. Không thể vì Trung Quốc dọa nạt dùng vũ lực, bỏ tù mà bỏ biển được" - anh Nha quả quyết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Diệp (ngụ thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho hay đây là những tháng cuối cùng trong mùa đánh bắt trước khi mùa mưa bão đến, ngư dân phải tranh thủ đánh bắt kiếm thêm thu nhập, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Nhiều năm qua, để hỗ trợ nhau tìm ngư trường, tránh bị tàu nước ngoài quấy phá cũng như đối phó thiên tai, sự cố trên biển, ngư dân huyện Núi Thành đã thành lập các tổ, đội đoàn kết trên biển. Từ khi các mô hình hợp tác này ra đời, ngư dân ở địa phương yên tâm hơn trong quá trình bám biển.

"Trung Quốc lâu nay vẫn thế. Họ dùng đủ chiêu trò để làm khó ngư dân ta, từ việc đơn phương cấm biển một cách vô căn cứ và phi pháp, dùng tàu lớn xua đuổi, gây hấn cho đến việc xua hàng chục ngàn tàu cá ra khơi. Nếu chúng ta lo sợ, bỏ biển thì đã mắc bẫy họ rồi.

Chúng tôi khi nào cũng xác định ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của cha ông để lại, không ai được phép ngăn cấm cả. Chúng tôi cũng biết rằng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ta lúc nào cũng ở sau lưng để bảo vệ, giúp đỡ ngư dân nên cứ yên tâm đánh bắt" - ông Diệp khẳng khái.

Ông Võ Ngọc Tùng, ngư đội phó Ngư đội Trường Sa Lớn, cho biết gia đình có 2 tàu gỗ, vừa rồi đi 2 chuyến biển may mắn không lỗ. Việc hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống khiến ngư dân trong nước gặp rất nhiều khó khăn.

"Lo lắng thì có nhưng chúng tôi vẫn quyết bám biển. Vừa rồi tôi mới hạ thủy thêm tàu vỏ composite Trường Sa 05 số hiệu KH-97179TS theo Nghị định 67. Nhà nước đã hỗ trợ đóng tàu thì chúng tôi phải ra khơi. Dù ít dù nhiều, khó mấy cũng phải đi biển" - ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Định, cho hay đang là mùa cao điểm đánh bắt cá ngừ đại dương. Hàng ngàn tàu cá của Bình Định vẫn ra khơi đến vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa hoạt động như bình thường.

Đừng để ngư dân cô độc trên biển

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, nhận định tàu thuyền của Trung Quốc thường có công suất lớn nên nếu tràn cả chục ngàn con tàu như vậy xuống vùng biển chủ quyền của nước ta thì "sẽ vơ vét hết cá của mình". "Thường thì đi cùng với các tàu cá của ngư dân Trung Quốc sẽ có các tàu chấp pháp của họ đi bảo vệ. Đây là nguy cơ chính" - ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Do đó, ngư dân cần khai thác thủy hải sản theo tổ đội để kịp thời hỗ trợ khi có sự cố hay tình huống phát sinh trên biển. Lãnh đạo Hội Thủy sản Việt Nam cũng đề nghị ngư dân khi khai thác trên biển cần thường xuyên mở các thiết bị kết nối với trạm bờ, thiết bị giám sát hành trình để lực lượng thực thi pháp luật trên biển có thể kịp thời hỗ trợ khi có sự cố.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng phía Trung Quốc đã nhiều lần xua hàng ngàn tàu đánh cá xuống vùng biển mà họ cho rằng là chủ quyền của họ. Đây chính là hành vi sai trái nhằm hợp thức hóa yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đã tự đặt ra.

Do đó, ngư dân không nên hoạt động lẻ loi, đơn độc trên biển; cần tập hợp đi theo tổ đội để ứng phó, bảo vệ nhau khi có sự cố xảy ra trên biển trong lúc đánh bắt cá. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên có mặt trên vùng biển để sẵn sàng bảo vệ ngư dân hoạt động hợp pháp trên vùng biển của nước ta.

Đại tá Hồ Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết lực lượng biên phòng tỉnh vừa tổ chức một hội nghị bàn về các giải pháp đề hỗ trợ ngư dân. Đại diện các nghiệp đoàn nghề cá đã nêu những khó khăn, vướng mắc và đề nghị các cơ quan, ban, ngành nghiên cứu, hỗ trợ ngư dân trước tình hình mới. Lực lượng Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cũng tập hợp ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho cơ quan chức năng.

Nắm rõ vùng biển chủ quyền

TS Trần Công Trục cho rằng các lực lượng chức năng cũng như ngư dân vẫn nên hoạt động bình thường trên vùng biển chủ quyền của nước ta.

"Chúng ta cần giữ được thái độ bình tĩnh để ứng xử và xử lý vấn đề. Chúng ta phải nắm được các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; nắm rõ vùng biển nào không nằm trong phạm vi quyền của mình để hoạt động" - TS Trục nhìn nhận.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: trường sa , Hoàng Sa , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP