Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện có nhiều địa phương, bộ và ban ngành được phân cấp vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016, nhưng không thực hiện đầy đủ báo cáo chi tiết về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và chi tiết danh mục các dự án sử dụng vốn NSNN. Đáng nói, nhiều bộ, ngành, địa phương, dự án chậm giải ngân, giải ngân không đạt yêu cầu đề ra.
"Tính đến hết 30/9/2016, các bộ ngành và địa phương mới giải ngân được dưới 50% kế hoạch vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ. Có dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, chi cho đầu tư phát triển các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước", Bộ KH&ĐT nêu thực tế.
Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, việc chậm giải ngân và không báo cáo chi tiết về kết quả giải ngân vốn đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách phân bổ, ảnh hưởng đến thời gian thi công các dự án và đặc biệt, việc chậm giải ngân vốn ảnh hưởng đến kế hoạch và các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực và quốc gia. Chính vì vậy, thời gian tới cần yêu cầu báo cáo rõ các nguyên nhân chậm giải ngân, không giải ngân và các biện pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án... được hưởng vốn từ trung ương.
Theo kiến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Đối với trường hợp không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2016 được giao, đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, cho phép chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng giải ngân trong năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương và các dự án không thể giải ngân sang các dự án cần triển khai đẩy nhanh tiến độ và các dự án cần vốn từ ngân sách khác".
Đồng thời, Bộ KH&ĐT nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây để tránh tình trạng giải ngân chậm, không rõ lý do, không xử lý được trách nhiệm của ai, Chính phủ sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng nêu trên.
"Đến hết kế hoạch năm 2016, nếu các bộ ngành và địa phương không giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Chính phủ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm người đứng đầu, điều chuyển, cắt giảm toàn bộ số vốn này để thu hồi các khoản vốn đối ứng trước", Bộ trưởng Dũng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng năm 2016 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước và bằng 33% GDP, trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 180.000 tỷ đồng, bằng 69,1% kế hoạch năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2015, vốn trung ương quản lý đạt 42.600 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý đạt 137.000 tỷ đồng
Hiện, các bộ được phân bổ vốn NSNN lớn nhất hiện nay là Bộ Giao thông Vận tải đạt 15.400 tỷ đồng (chiếm 36% vốn ngân sách); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5.000 tỷ đồng; Bộ Y tế 1.900 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.900 tỷ đồng...
Hà Nội là địa phương được phân bổ vốn ngân sách lớn nhất với 22.800 tỷ đồng (chiếm hơn 16% ngân sách cho các địa phương); TPHCM 12.100 tỷ đồng; tiếp sau là các tỉnh như Bình Dương hơn 4.100 tỷ đồng; Nghệ An 4.085 tỷ đồng...
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: