Từ năm học 2018 – 2019, các Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không được ký hợp đồng lao động với giáo viên ngoài biên chế.
Thực trạng này khiến cho tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng trầm trọng.
Năm học này, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thiếu nhiều giáo viên |
Tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam hiện đang thiếu hơn 70 giáo viên ở cả 3 cấp học. Thế nhưng, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn phải cắt giảm 60 giáo viên biên chế.
Ông Lê Văn Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp. Trước đây, cả huyện có 45 lớp ghép nhưng đến nay chỉ còn 5 lớp; từ 93 điểm trường hiện chỉ còn 62 điểm trường.
Ông Hà cho biết thêm, thời gian qua số giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khá nhiều nhưng 2 năm qua không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, trẻ từ 3 đến 5 tuổi ngày càng nhiều nên đội ngũ giáo viên mầm non không đủ đáp ứng.
Ông Lê Văn Hà cho rằng, nếu thực hiện đúng chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì huyện Phước Sơn buộc giảm số lớp mầm non: "Nếu không đảm bảo được, chúng tôi sẽ giảm đi số lớp là giảm lớp mẫu giáo 3 tuổi. Nếu không đủ nữa thì giảm đi 4 tuổi. Mà nếu không đủ nữa chúng tôi cắt luôn mẫu giáo bán trú. Đó là định hướng để đáp ứng được yêu cầu giảm biên chế. Vấn đề này sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn xã hội khác. Thứ nhất là quyền học của trẻ em lại không đáp ứng được. Thứ hai là con họ đang học mà chúng ta lại cắt đi, tôi thấy là giáo dục tụt lùi, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội."
Còn tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hiện vẫn đang thiếu 50 giáo viên, chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học.
Theo ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Giang, năm học này đơn vị không được phép ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế nên việc dạy học gặp nhiều khó khăn.
Phòng đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam có cơ chế ưu tiên cho ngành giáo dục được ký hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ thi tuyển.
Ông Trần Văn Hùng cho biết: "Vừa rồi tỉnh có chủ trương không hợp đồng giáo viên mới, chỉ sử dụng các giáo viên hiện có, tức là trong biên chế. Việc này cũng gây khó khăn cho ngành giáo dục. Ví dụ như trường lớp tăng, học sinh tăng mà giáo viên mình không cho hợp đồng thì rất khó cho việc bố trí đứng lớp. Trước tình hình như thế, chúng tôi phải bố trí dạy tăng giờ, bố trí giáo viên dạy liên trường để đảm bảo cho học sinh được ra lớp."
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã tổ chức thi tuyển giáo viên dựa trên nhu cầu của các địa phương về chỉ tiêu, cấp học, môn học.
Hầu hết các địa phương vẫn chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế giáo viên được tỉnh phân bổ. Tình trạng thiếu giáo viên tại các huyện miền núi do các địa phương không đăng ký thi tuyển.
Ông Hà Thanh Quốc cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục. Số giáo viên ký hợp đồng lâu năm vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nếu có nguyện vọng gắn bó lâu dài với công tác giảng dạy./.
Tác giả: Phương Cúc
Nguồn tin: Báo VOV