Địa điểm cơ sở tái chế phế liệu nhựa ở thôn Long Bình gây ô nhiễm. |
Sống chung với ô nhiễm
Khi vừa bước đến thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, chúng tôi đã cảm thấy khó thở, tức ngực bởi không đặc mùi khét lẹt khói của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa phế thải nằm trên đường ĐT620. Theo người dân địa phương, cơ sở này đã đi vào hoạt động hơn một năm qua, chuyên thu mua các loại bao bì cũ về tái chế nhựa ni lông… Tuy nhiên, trong quá trình tái chế nhựa ni lông đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người. Nhiều năm trôi qua, các gia đình ở đây phải sống chung với mùi nhựa khét lẹt của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa bay thẳng vào trong nhà gây khó thở, khiến nhiều người sống gần bị viêm phổi, viêm xoang, đau đầu. Không chỉ có khói độc hại mà tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người dân. Nguồn nước thải không qua xử lý được xả trực tiếp xuống hệ thống cống thoát nước của khu, gây ách tắc dòng chảy.
Bà Trần Thị Lan (56 tuổi), trú khối phố 5, thị trấn Núi Thành bức xúc: Nhà tôi nằm ngay phía sau cơ sở tái chế phế liệu này quanh năm phải ngửi mùi khó chịu từ cơ sở này. Mỗi khi gặp luồng gió thôi, nhựa ni long bị đốt cháy khét nồng bay thẳng vào nhà, người già và trẻ nhỏ đau đầu, khó thở.
“Bà con ở đây nhiều người phải nhập viện với các bệnh liên quan đến đường hô hấp do ô nhiễm từ cơ sở tái chế phế liệu này. Mấy đứa nhỏ ở đây, có đứa 03 tháng tuổi đã phải nhập viện vì viêm phổi do hít phải khói ô nhiễm”- bà Lan cho biết.
Ông Nguyễn Văn Minh, trú tại thôn Long Bình xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở tái chế nhựa gây ra kéo dài cả năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Mặc dù người dân đã làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng và có xuống kiểm tra, xử lý cơ sở này, nhưng được một thời gian thì lại tái diễn tình trạng ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn vẫn hành hạ cả thôn.
Các loại bao bì chưa tái chế bỏ nằm ngổn ngang cơ sở này. |
“Mỗi khi có khách từ nơi khác đến chơi, gia đình rất ngại vì mùi khó ngửi bao trùm khắp nơi, còn khách thì không chịu nổi không khí nặng mùi đó nên vội vàng ra về. Rất mong các cơ quan ban ngành, nhanh chóng có biện pháp xử lý triệt để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân chúng tôi”- ông Minh than thở.
Xem thường “lệnh” phạt?!
Ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết: Khu đất có cơ sở tái chế nhựa phế liệu là của Công ty Xây lắp miền Trung thuê của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để làm văn phòng giao dịch, nhưng sau đó công ty này đã cho ông Sơn (thường trú tỉnh Bình Định) thuê lại. Trong quá trình tái chế nhựa ni lông, cơ sở ông Sơn đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Núi Thành đã tiến hành kiểm tra, xử lý, nhưng chủ cơ sở tái chế nhựa phế liệu này không khắc phục mà vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm.
“Việc người dân phản ánh cơ sở tái chế nhựa ni lông của ông Trần Văn Sơn ở đường ĐT 620, thôn Long Bình gây ô nhiễm môi trường là đúng. Chính quyền xã đã có nhiều văn bản gửi lên lãnh đạo huyện Núi Thành để kiểm tra, xử lý cơ sở này. Vào tháng 7/2017, UBND huyện Núi Thành đã có quyết định xử phạt hành chính cơ sở tái chế nhựa ni lông của ông Trần Văn Sơn với số tiền 35 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế nhựa phế liệu này. Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi việc vẫn y đâu vào đấy”- ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Minh, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khẳng định, với chức năng của địa phương, đối với cơ sở sản xuất tái chế nhựa phế liệu của ông Trần Văn Sơn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Đồng thời, địa phương đã có văn bản kiến nghị gửi lên Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai thu hồi đất lại và tạm dừng hoạt động đối với cơ sở tái chế phế liệu này.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường