Xã hội

Quảng Nam: Khu nghỉ dưỡng 'chui' mọc giữa rừng phòng hộ

Một khu nghỉ dưỡng ngang nhiên định hình ngay giữa rừng phòng hộ thuộc địa phận của xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam dù chưa được cấp phép xây dựng.Hiện, cơ quan chức năng yêu cầu chủ nhân khu nghỉ dưỡng khẩn trương tháo dỡ trước ngày 8/3.

Khu nghỉ dưỡng mọc trái phép giữa rừng phòng hộ ở Quảng Nam

“Xẻ” rừng dựng “gia tư riêng”

Rừng phòng hộ Trà Lý, huyện Duy Xuyên được xem là một trong những khu rừng quan trọng góp phần cân bằng hệ sinh thái trên địa bàn Quảng Nam. Thế nhưng, tại giữa rừng phòng hộ này, một khu nghỉ dưỡng rộng lớn được ngang nhiên dựng, lên cách trục đường DH8 chừng 200m.

Theo quan sát của phóng viên, bên ngoài khu nghỉ dưỡng ghi rõ “Gia tư riêng” được bao bọc bởi hàng rào thép lưới B40. Ngay cạnh cổng ra vào là xưởng mộc. Bên trong khu nghỉ dưỡng là những thửa đất được cải tạo phục vụ cho việc trồng hoa, rau màu và những ngôi nhà tranh tre thuần Việt đang được thi công dang dở.

Đặc biệt, các lối đi bên trong khu nghỉ dưỡng được thảm bằng bê tông với chiều dài cả trăm mét. Tại một số hồ nước còn có các tuyến bờ kè được đổ bê tông và dựng hàng rào bằng gỗ.

Những ngôi nhà tranh tre thuần Việt đang được thi công dang dở

Theo một người dân ở thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn), công trình này khởi động từ đầu tháng 10/2018, với diện tích khoảng 2,9 ha.Chủ nhân của khu nghỉ dưỡng là nhà thiết kế Đinh Văn Thơ (hiện đang cư trú trong TP. HCM). Ông Thơ đã thuê hẳn một đội ngũ lao động chuyên chăm sóc cho rau màu, vườn hoa trong khu nghỉ dưỡng này.

“Từ ngày xe tải vận chuyển vật liệu ra vào khu nghỉ dưỡng, tuyến đường DH8 bị băm nát đến thê thảm. Lối mòn vào khu nghỉ dưỡng này cũng là con đường dẫn vào khu đất rừng của rất nhiều nông dân địa phương. Tuy nhiên, khi khu nghỉ dưỡng này mọc lên đã bít lối đi của chúng tôi”, một người dân thôn Chánh Lộc bức xúc giãi bày.

Lối đi trong khu nghỉ dưỡng được thảm bê tông

Vận động tháo dỡ

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, chủ đất này là ông Ngô Phi Nhị (một người dân địa phương). Từ năm 1978, chính quyền địa phương đã bàn giao 2,9ha đất rừng cho ông Nhị phát quang, trồng keo lá tràm. Đến năm 2017, toàn bộ khu đất của ông Nhị được chuyển sang đất thuộc rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, 2 năm qua, ông Nhị vẫn dựng lều, trồng lúa và hoa màu ở đây. Tháng 11/2018, ông Nhị và nhà thiết kế Đinh Văn Thơ xin cải tạo để trồng trọt thêm một số loại cây khác. Tuy nhiên, thay vì thực hiện theo đúng cam kết với chính quyền địa phương, ông Đinh Văn Thơ đã tự ý đưa máy móc, nhân lực vào thi công một số hạng mục không được cấp phép xây dựng.

Sau khi người dân phản ánh, địa phương lập đoàn kiểm tra hiện trạng và phát hiện có tình trạng máy móc, thiết bị được đưa vào để cải tạo một số khu vực, đổ trụ bê tông dưới ao sen. UBND xã đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng ngay mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến chức năng rừng phòng hộ, đồng thời báo cáo sự việc lên huyện.

“Ông Thơ đã cho trải đường bê tông, dựng nhà gỗ vào thời điểm trong Tết Nguyên đán 2019. Sau đó, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân và lập tức yêu cầu dừng thi công”- ông Cường cho biết.

Lãnh đạo huyện vừa vận động chủ khu nghỉ dưỡng tháo dỡ, đập bỏ trả lại rừng phòng hộ

Ông Cường cho biết thêm, sau khi tạm thời đình chỉ việc xây dựng trái phép, UBND huyện sẽ họp, thảo luận và đưa ra phương án xử lý. Tinh thần của cơ quan chức năng là vận động chủ khu nghỉ dưỡng tự tháo dỡ, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế, buộc tháo dỡ những hạng mục nào sai phạm.

“Lãnh đạo huyện vừa vận động chủ khu nghỉ dưỡng tháo dỡ và đập bỏ ngay những công trình trái phép được xây dựng trong rừng phòng hộ trước ngày 8/3”- ông Cường khẳng định.

Ông Phan Tuấn - Chi Cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 4/3, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra khu nghỉ dưỡng không phép trên địa bàn xã Duy Sơn. Trên cơ sở đánh giá mức độ tác động và diện tích rừng phòng hộ bị thiệt hại, chi cục sẽ có hướng xử phạt tiếp theo.

Tác giả: Lan Anh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP