Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương, tọa lạc tại xóm Chùa thuộc thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình. Làng có tên là Hiền Lương từ thời vua Thành Thái.
Sử sách ghi lại, buổi đầu thành lập, làng gồm 5 tộc tiền hiền là Nguyễn Đình, Phan Văn, Hồ, Lê và Nguyễn Chiếm. Theo tài liệu lưu trữ tại tộc Nguyễn Đình, Tiền hiền tộc Nguyễn Đình là Nguyễn Đại Lang, con trai cả của ngài Nguyễn Ngọc Thơ, quê gốc Thanh Hóa.
Trao Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương. |
Năm 1841, Nguyễn Đại Lang theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau đó ông ở lại lập nghiệp tại vùng đất An Thạnh, Thăng Hoa, Duy Xuyên. Tại vùng đất mới, ngài cùng các tiền hiền họ Phan, Hồ, Lê, Nguyễn Chiếm khai cơ lập nghiệp, sau đó về quê chiêu mộ người thân, bà con hàng xóm vào cùng khai phá vùng đất mới.
Dần dần dân cư đông đúc, các tộc họ cùng xây dựng đình làng, lăng miếu thờ thần hoàng, thổ địa như lăng Mục Đồng, lăng Tam Dị, miếu Bà Vàng, lăng Bà; huy động dân đinh đắp đập ngăn sông Ly Ly dẫn nước về tưới tiêu đồng ruộng Hiền Lương, đồng Tràm, Trà Đình, Bông Lãnh, An Lạc…
Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương đang xuống cấp, cần được tôn tạo. |
Mặc dù trải qua hàng trăm năm tồn tại, bị xuống cấp bởi thời gian và chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay kiến trúc Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương còn lưu giữ nhiều nét độc đáo, nhất là hệ thống cột kèo bằng gỗ mít, gồm 20 cột và 4 dày kèo uốn cong chạm trổ tứ linh. Nhà có 4 mái lợp ngói âm dương. Bên trong bàn thờ có 5 gian, trong đó gian chính và bàn thờ khám lồi cẩn xà cừ, trước án tiền là một bàn hương án.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho rằng việc đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương không chỉ là niềm tự hào của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương mà còn tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực nhằm tu bổ, phục dựng lại kiến trúc nhà thờ cũng như các di tích xung quanh trong quần thể trước đây.
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân