Xã hội

Quảng Nam cấp đất, cho xây thêm thủy điện ở "điểm nóng sạt núi" Nam Trà My

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa ký Quyết định về việc cho Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam của huyện Nam Trà My. Lập tức, quyết định nhận ngay sự phản ứng dữ dội của cộng đồng, người dân khi hàng trăm vụ sạt lở núi nghiêm trọng vừa liên tiếp xảy ra ở các huyện miền núi Quảng Nam. Đặc biệt riêng huyện Nam Trà My - nơi cấp phép xây thủy điện Đắk Di 2 đã có đến 2 vụ sạt núi, vùi lấp hàng chục hộ dân, có 32 người chết và mất tích, hiện 13 người vẫn trong tình trạng chưa tìm được thi thể...

Nam Trà My là điểm nóng sạt lở núi, hiện vẫn còn cả chục người dân chưa tìm được thi thể sau các vụ sạt lở, vùi lấp. Ảnh: Thanh Chung

Trao đổi với Lao Động ngày 25.11, ông Hồ Quang Bửu cho biết sở dĩ cho phép thủy điện Đắk Di 2 triển khai, xây dựng là vì không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Thủy điện Đắk di 2 chỉ có công suất 20MW, chiếm tổng cộng 10,53ha và quá trình xây dựng không phải di dời dân.

Trước đó, 20.11, ông Bửu đã ký quyết định (số 3272/QĐ-UBND), cho phép Cty Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê 31.524,2m2 đất (đợt 2) tại 2 xã Trà Don và Trà Nam, huyện miền núi Nam Trà My để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2. Trong đó, diện tích hạng mục xây dựng nhà máy 2.770,2m2, diện tích hạng mục xây dựng đập và lòng hồ 20.914,4m2, diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp 7.839,4m2.

Về hình thức thuê đất được xác định là nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm đến ngày 28.8.2059. Đơn vị thuê đất nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách nhà nước theo quy định với số tiền trên 21,6 tỉ đồng.

Trước đó, tại buổi họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức 15.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định Quảng Nam sẽ không phát triển thêm thủy điện.

Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều thủy điện bậc thang, trong đó 10 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia đã xây dựng, đưa vào hoạt động, với công xuất gần 1.200kW. Ngoài ra, tỉnh còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ, cơ bản có một nửa đi vào hoạt động, nửa còn lại đang trong quá trình triển khai cũng sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới với công suất phát điện 560kW.

Thực tế, có đến 47 thủy điện lớn nhỏ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quảng Nam. Tuy nhiên, sau hàng loạt "sự cố" liên quan đến mặt trái của thủy điện như mất rừng, mất ổn định đời sống người dân miền núi, sạt lở đất, lũ lụt... nên Quảng Nam đã rà soát, loại bỏ 10 dự án. Hiện toàn tỉnh còn 46 dự án. Và Đắk Di 2 là 1 trong số 36 dự án đã được cấp phép, đang triển khai, cho thuê đất.

Dù cho rằng thủy điện Đắk Di 2 không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên như cách giải thích của ông Hồ Quảng Bửu, nhưng thực tế Nam Trà My đã là huyện miền núi cao, vốn nằm giữa rừng ở cực điểm ở đông nam của Quảng Nam, thượng nguồn của hệ thống sông Tranh-Thu Bồn. "Không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên" như cách giải thích của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là đúng bởi vì đất rừng nhưng bây giờ không còn gỗ, không còn rừng.

Mặt khác, việc ký quyết định triển khai xây dựng thủy điện trong lúc "nước sôi lửa bỏng" về thảm họa sạt núi đang xảy ra, hàng nghìn hộ dân miền núi Quảng Nam vẫn còn tình trạng bị cô lập, mất nhà, mất đất sản xuất, tang hoang cơ sở hạ tầng, giao thông chia cắt, trường học sập đổ và thậm chí hàng chục người dân bị vùi lấp, chưa tìm được thi thể... đang gây phản ứng từ cộng đồng. Chưa kể việc Chính phủ, ngành Công Thương cũng vừa có chỉ đạo không phát triển thêm thủy điện vừa và nhỏ, rà soát lại các thủy điện... sau hàng loạt vụ sạt núi, vùi lấp nhà, chết dân. Đặc biệt là những vụ sạt lở mang tính thảm họa vừa xảy ra ở thủy điện Rào Trăng 3 ở TT-Huế và "điểm nóng sạt lở" Nam Trà My, Quảng Nam.

Tác giả: THANH HẢI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP