Xã hội

Quảng Nam: Cán bộ xã trong Đề án đào tạo xin nghỉ việc có bồi thường kinh phí?

Liên quan đến nhiều cán bộ xã trong Đề án 500 xin nghỉ việc trong thời gian gần đây, hiện các cơ quan chức năng đang báo cáo với lãnh đạo cấp tỉnh, để có hướng xử lý...

Trao đổi với PV Dân trí về thực trạng một số cán bộ trong Đề án 500 của tỉnh xin nghỉ việc trong thời gian vừa qua, ông Thái Văn Chương – Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền – Sở Nội vụ Quảng Nam cho biết: “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một số đồng chí có khả năng, khi tiếp cận với môi trường bên ngoài, thấy có điều kiện hơn nên đã bỏ ra ngoài làm doanh nghiệp, một số trường hợp khác thì xin chuyển địa phương”.

Ông Võ Sinh – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Ninh

Ông Chương cũng cho biết, Đề án 500 chỉ áp dụng cho tỉnh Quảng Nam, nếu cán bộ chuyển qua địa phương khác mà địa phương đó không có đề án này thì không được hưởng.

Có hay không khi cán bộ Đề án 500 bị địa phương “trù dập”? Ông Chương cho hay chưa nắm thông tin cụ thể. Khi tổng kết đề án cũng chưa thấy biểu hiện gì gọi là địa phương “trù dập” hết vì khi tỉnh xây dựng đề án thì đã được quán triệt rất rõ từ Bí thư đến Chủ tịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ thuộc Đề án.

Về thu nhập của cán bộ thuộc Đề án, ông Chương cho biết, thu nhập theo quy định chung nhưng cán bộ ở miền núi thì hỗ trợ thêm 2,0, trung du 1,7 còn ở đồng bằng thì 1,0 trong thời gian 60 tháng. Ông Chương nói, với sinh viên mới ra trường thì thu nhập cũng được khoảng trên 6 triệu đối với cán bộ ở miền núi, còn đồng bằng khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Vì sao có một số cán bộ trong Đề án “nản”, ông Chương cho biết do cán bộ không lường được khó khăn. “Trước đây khi vào Đề án cũng nói rõ khó khăn như ở miền núi cao thậm chí không có đường ô tô, phương tiện, hạ tầng không có, đi rất cực khổ. Thậm chí đi mấy ngày đường mới đến huyện, nhưng khi về cọ xác thì cũng có những nỗi buồn nhưng đa số anh em phấn đấu tốt”, ông Chương nói.

Chị Ngô Thị Hai – cán bộ văn phòng thống kê xã Tam Dân, huyện Phú Ninh

Ông Võ Sinh – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Ninh thì chia sẻ, mức lương đối với cán bộ nói chung và cán bộ trong Đề án nói riêng chưa tương xứng. “Nếu nói về kinh tế thì ngay từ đầu họ sẽ không xin đi học theo Đề án 500. Trong xu thế hiện tại thì mức lương không cân xứng khi chưa có gia đình”, ông Sinh nói.

Về việc đền bù cho nhà nước khi các cán bộ xin nghỉ. Ông Sinh cho hay, nếu theo hợp đồng, các cán bộ sau khi đào tạo phục vụ cho địa phương được 7 năm thì khi nghỉ không phải đền bù hợp đồng, còn một số cán bộ xin nghỉ vừa qua công tác chưa được 5 năm.

Về mức đền bù của các cán bộ xin nghỉ, hiện huyện Phú Ninh đã báo cáo Sở Nội vụ, trên cơ sở này Sở Nội vụ sẽ báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam để xin ý kiến.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Ngô Thị Hai (cán bộ văn phòng – thống kê xã Tam Dân, một cán bộ thuộc Đề án 500) cho biết, với mức lương hiện tại chỉ 4,3 triệu đồng/tháng, chị chỉ nuôi đủ bản thân, còn nuôi con cái và có thể tiết kiệm thì phụ thuộc vào kinh tế của chồng. Nếu có cơ chế hỗ trợ thì sẽ tốt hơn.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016; Ban Điều hành Đề án 500 đã tổ chức xét tuyển 4 khóa với tổng số 519 học viên (trong đó có 16 học viên được UBND huyện Phú Ninh (9 học viên) và UBND huyện Núi Thành (7 học viên) đề nghị tăng thêm và thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho học viên khi tham gia Đề án).

Nhìn chung, các học viên Đề án 500 được tuyển chọn cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Đề án về sức khoẻ, trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn chính trị... Một số cán bộ đề án sau thời gian công tác đã giữ các chức vụ chủ chốt ở địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại của cán bộ thuộc Đề án như việc phân công công tác cho cán bộ của Đề án không đúng với chuyên môn được đào tạo, một số người bố trí vào chức danh hoạt động không chuyên trách gây nên sự dao động về tư tưởng, không yên tâm công tác.

Có sự so bì về chế độ, chính sách đãi ngộ của cán bộ Đề án với người đã công tác lâu năm hoặc có cùng trình độ chuyên môn tại cấp xã… Cán bộ Đề án 500 tuổi đời còn trẻ, được đào tạo cơ bản, nhưng chưa trải nghiệm qua thực tiễn cho nên khi tiếp cận nhiệm vụ được giao bước đầu gặp khó khăn, trở ngại…

Tác giả: Công Bính

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP