Và mối quan hệ này giờ đây còn đang đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn khi Washington áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn “chưa từng có” lên Ankara.
Hồi tuần qua, giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra 2 cuộc điện đàm, giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo với người đồng cấp Mevlut Cavusoglu và giữa Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis với người đồng nhiệm Hulusi Akar.
Cùng với đó là chuyến thăm và làm việc với giới chức Mỹ của phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal dẫn đầu. Những cuộc tiếp xúc, đối thoại này mang duy nhất một mục tiêu là tìm cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Tuy vậy, vẫn không thể giúp hai đồng minh này giải quyết được những bất đồng cũ và mâu thuẫn mới liên quan đến một loạt vấn đề “bề nổi” song phương như: yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang định cư tại Mỹ, hay việc mua bán vũ khí quân sự của Ankara, cho đến đòi hỏi của Washington về việc thả linh mục Andrew Brunson đang bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. |
Không những thế, căng thẳng Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ còn đến từ những bất đồng “sâu xa” hơn, có thể tính bắt đầu từ thời điểm diễn ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, đã trở nên “lạnh nhạt” hơn khi quốc gia này không nhận được sự ủng hộ trong cách thức giải quyết vấn đề hậu đảo chính.
Trong khi đó, Nga và Iran lại ngược lại, hết sức ủng hộ chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan. Bên cạnh đó, các mâu thuẫn trong vấn đề người Kurd tại Syria cũng đã khiến Washington và Ankara bị đụng chạm trực tiếp về lợi ích “chiến lược” của cuộc chiến.
Chính vì lẽ đó, Mỹ đưa ra trừng phạt “cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ với lý do gây sức ép lên Ankara thả linh mục người Mỹ Andrew Brunson chỉ là “giọt nước làm tràn ly” trong những căng thẳng quan hệ giữa hai bên.
Vị linh mục này đã bị bắt giam tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm qua vì bị tình nghi có liên hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.
Hồi đầu tháng 8, Bộ Ngân khố Mỹ ra tuyên bố trừng phạt các Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc Andrew Brunson đang bị bắt giam.
Theo đó, tài sản của hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nêu trên sẽ bị đóng băng và mọi cá nhân và đoàn thể của Mỹ đều bị cấm giao dịch với hai người này. Đáp lại, Ankara đã ngay lập tức tung ra động thái tương tự đối với các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của Mỹ.
Tiếp đó, hôm 10-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, sản phẩm nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50%.
Đáp trả hành động này, thay vì kêu gọi đối thoại, Ankara lại ra tuyên bố “sẽ không nhượng bộ”, thậm chí có thể không níu giữ một mối quan hệ “chẳng đáng giá bằng một linh mục”.
Chưa hết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn khẳng định, Ankara sẵn sàng tìm cho mình những đồng minh chiến lược mới thay thế Mỹ, nếu nước này không thấy sự tôn trọng và có đi có lại nào trong quan hệ song phương với Washington. Và rằng, các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ.
Liên quan đến việc đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001 so với đồng USD do ảnh hưởng của việc áp thuế mới của Mỹ, Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 11-8 khẳng định sẽ bảo vệ đất nước trước một cuộc chiến tranh “thương mại” từ Mỹ. Nước này dự kiến sử dụng các đồng nội tệ quốc gia trong hoạt động các thương mại với Trung Quốc, Nga, Iran và Ukraine.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sẵn sàng thiết lập một hệ thống tương tự trong các giao dịch với các nước châu Âu khi mà Liên minh châu Âu cũng đang muốn “giải phóng khỏi sức ép” của đồng USD.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara không có ý định chịu đựng tình huống khi mà một cuộc chiến tranh kinh tế đã được tuyên bố chống lại toàn thế giới với sức ép nhằm vào một số nước vốn bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng không có chính trị gia hay quốc gia nào trên toàn cầu sẽ thành công bằng cách theo đuổi một chính sách thù địch với Ankara.
Những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa hai bên ngày càng lớn hơn và khiến cho cả hai khó có thể thu hẹp bất đồng trong “một sớm một chiều”.
Tác giả: Khổng Hà (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân