Tặng thầy cô quà gì, quà này có ổn không, quà này đã hợp lý chưa... vẫn là mối bận lòng của không ít phụ huynh khi cuối năm đang cận kề. Đặc biệt, nhiều người mang nặng suy nghĩ đi quà cáp để cô quan tâm đến con mình hơn, cô ưu ái hơn, cô đừng phân biệt thì càng cân nhắc, nặng nề. Và việc tặng quà cho thầy cô với nhiều người còn gửi gắm những mong muốn, đổi chác, đòi hỏi..., hay đơn giản là để "mua" sự yên tâm cho mình.
Cô trò ở TPHCM cùng tìm hiểu về ý nghĩa ngày Tết truyền thống |
Chị Nguyễn Thu Dung, có hai con học ở Q.1, TPHCM chia sẻ, một năm có hai ngày đi thầy cô làm chị "căng não" đó là 20/11 và Tết. Vì quanh đi quẩn lại, chị không biết phải tặng quà gì cho phù hợp. Bánh kẹo, rượu bia thì quá quen thuộc, năm nào cũng quay đi quay lại như vậy. Dù chị đi quà chỉ mang tính trượng trưng, còn vẫn gửi phong bì cho thầy cô nhưng chị vẫn thích quà gì là lạ.
Chị Dung cũng thật lòng nói, nhiều lúc chị cũng không muốn tự đặt cho mình áp lực phải quà cáp thầy cô, nhưng nếu không đi lại thấy không ổn, thấy sao sao đó nên nhất quyết phải đi như một lập trình từ suy nghĩ.
Như chị Trần Ngọc Trang ở Gò Vấp cho biết, chị đặt quà Tết cho thầy cô của con đến ba lần... đều đổi ý vì thấy chưa vừa lòng. Nào là cân nhắc về giá cả, món quà sao cho nhìn được một chút, sử dụng phải tốt. Dịp Tết chị thường chuẩn bị các phần quà cho bố mẹ, cho sếp, cho thầy cô của con thì... quà cho thầy cô là khó chọn nhất. Quà nào giá mềm thì ngại mà đắt thì thêm gánh nặng chi phí.
Muốn hay không thì hiện nay, việc phụ huynh đi quà Tết thầy cô đều ít nhiều mang gánh nặng với suy nghĩ con mình sẽ được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn. Bên cạnh đó, cũng không ít gia đình xem việc đi quà Tết thầy cô là một cơ hội để dạy con về giá trị của tôn sư trọng đạo, ý nghĩa của Tết thầy cô, về tình thầy trò.
Ngày đến trường tham gia phiên chợ Xuân yêu thương do trường con tổ chức, chị Minh Anh, có con học mầm non mới biết một trong hai cô giáo đang phụ trách lớp do không đặt được vé xe nên sẽ về quê sớm hơn mấy ngày so với lịch nghỉ. Ngay tối hôm đó, chị liền chở con tìm đến tận phòng trọ của cô, để con chúc tết trước khi cô về Tết.
"Hai cô trò quấn quýt với nhau. Khi tôi nói, ngày mai cô về quê đón Tết thì cháu khóc òa lên: "Cô Thanh không được về", sau cháu lại nói: "Cô về ít thôi nha rồi vào với Bon" làm tôi cũng phải nghẹn ngào. Tình cảm của trẻ hồn nhiên, chân thật lắm", chị Minh Anh kể và bày tỏ, chị muốn gieo vào con những điều tốt đẹp nhất. Mà với trẻ nhỏ, mối tương tác gần gũi và ý nghĩa nhất là ông bà, bố mẹ, thầy cô.
Với chị, sự quan tâm, chăm sóc, để ý thêm miếng thìa cháo, thìa sữa sữa và cả con chữ của cô giáo đối với con không quan trọng bằng việc xây dựng niềm tin, tình cảm cho con đối với thầy cô như thế nào. Thế nên, chuyện quà cáp cho thầy cô với chị rất nhẹ nhàng, nhà có gì dùng nấy, Tết chị có lì xì thầy cô như lời chúc sức khỏe, bình an.
"Có thể tôi nói không ai tin nhưng tôi không hề mong cô quan tâm, chăm sóc con mình kỹ lưỡng hơn. Tôi muốn con được phát triển và đối diện với sinh hoạt, cuộc sống, tình cảm trong trạng thái bình thường nhất có yêu có ghét, có thương có giận... Với tôi Tết là dịp cực kỳ ý nghĩa để con hiểu về tình thầy trò", chị Minh Anh chia sẻ.
Chị Anh cũng nói thêm, tôn sự trọng đạo không chỉ dạy con trẻ mà bố mẹ cũng dạy cho chính mình. Đến thăm nhà thầy cô, giữa mối quan hệ tốt đẹp thì mình sẽ hiểu thêm về cuộc sống, về con người của họ. Mà có khi khác xa với hình dung, suy nghĩ áp đặt chủ quan từ phụ huynh.
Như cô giáo của Bon, có lẽ ít ai biết, cô sống trong một căn nhà trọ cùng hai con nhỏ, chồng làm công nhân ốm đau bệnh tật. Trong nhà không có đồ vật gì nặng giá trị về vật chất ngoài chiếc xe máy cô đi lại. Đến lớp, cô vẫn luôn cố gắng tươi tắn, ân cần với trẻ... Chị nhận ra, mình cần chia sẻ, thông cảm với giáo viên nhiều hơn trong việc chăm sóc trẻ. Phụ huynh cần bớt xét nét, gây khó dễ cho thầy cô để giảm những gánh nặng không đáng có cho nhau.
Thầy - trò là mối quan hệ tình cảm ý nghĩa lớn đối với cuộc đời mỗi người (ảnh minh họa) |
Đồng quan điểm với chị Anh, vợ chồng anh Nguyễn Đức Minh, có hai con học tiểu học và cấp 2 ở quận 3 cho biết, họ chưa từng nặng lòng chuyện đi quà tết thầy cô của con như thế nào. Anh chị rất muốn giữ nếp trước đây là mùng 3 tết thầy, sẽ đưa con đến nhà giáo viên chúc tết. Tuy nhiên, điều này ở thành phố cũng khó thực hiện nên họ cũng tranh thủ chúc thầy cô trước tết. Những ngày này dù bận rộn thế nào, anh chị cũng đưa con đến nhà chúc Tết thầy cô.
Về quà cáp, có khi anh chị biếu thầy cô ký giò, chai mật ong, bánh chưng bánh tét, ký hạt dưa... đặt ở quê gửi vô. Có năm anh chị lì xì, có năm không, mọi thứ rất thoải mái, không câu nệ.
Anh Minh nói: "Ai nói xuề xòa tôi cũng chịu vì tôi không tặng quà cho thầy cô để mua chuộc, đòi hỏi thầy cô phải thế này thế nọ với con mình. Tôi chỉ mong quan hệ thầy trò, quan hệ giữa mình và giáo viên của con tự nhiên, chân tình là điều cần nhất cho con trẻ".
Chuyện quà ngày Tết, nhiều khi chính người tặng do đặt vào món quà những kỳ vọng nên dẫn đến áp lực cho mình và cho cả người nhận. Từ đó, quà tặng không chỉ mất đi ý nghĩa còn thành một gánh nặng cho cả hai. Ở thế chủ động là người tặng quà, chính phụ huynh cần cởi trói cho mình, dạy con kính trọng thầy không không đồng nghĩa với việc quà cáp.
Còn lo lắng của nhiều phụ huynh, không đi quà giáo viên thì con sẽ bị phân biệt, với kinh nghiệm của anh Minh, cũng có một số giáo viên như vậy nhưng bản thân anh không cũng xét nét điều này vì chắc chắn đó là số ít.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí