Chết hết rồi còn đâu?
Xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) có hơn 2.000 lồng bè nuôi tôm hùm trên đầm Cù Mông. Đây là địa phương có lồng nuôi tôm hùm lớn nhất thị xã Sông Cầu. Thế nhưng, sau đợt lũ lớn hồi đầu tháng 11/2016, vùng đất này bị ngọt hóa, độ mặn giảm nhanh kéo dài nhiều ngày, hầu hết tôm hùm đang nuôi lăn đùng ra chết vì sốc nước ngọt. Thiệt hại nặng nề nhất là ở hai thôn Hòa Lợi và Hoài Thạnh. Hàng trăm tỷ đồng của hàng trăm hộ dân nuôi ở “thủ phủ” tôm hùm bỗng tan biến theo dòng nước lũ.
"Thủ phủ" tôm hùm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) trắng tay sau 1 đêm nước lũ tràn về
Trở lại Xuân Cảnh những ngày ngay, người nuôi tôm đang chuẩn dọn vệ sinh lồng bè để tiếp tục thả lứa tôm hùm mới. Anh Nguyễn Văn Dũng (37 tuổi, thôn Hòa Lợi) vừa lặn xuống để dọn vệ lồng bè, nói: “Từ hôm lũ (từ ngày 4 đến ngày 7/11) ngày nào cũng lặn kiểm tra lồng và ngày nào cũng vớt tôm chết. Sau lũ khoảng 80% số tôm to chết hết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Thiên tai trách sao được ông trời, chết hết nhưng cũng không bỏ nghề vì bỏ thì biết làm cái gì mà sống”.
Chưa kịp hoàn hồn sau đợt lũ, ông Nguyễn Xuân Lộc (ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) cho biết: Do lũ lớn từ thượng nguồn đổ về chớp nhoáng khiến người nuôi tôm hùm ở đây trở tay không kịp. “Gia đình tôi đầu tư 250 triệu đồng nuôi 16 lồng tôm xuất khẩu, giờ chết hết gần 80%, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, số tôm chết có 100 con tôm sao có giá trị cao, đã nuôi đạt 0,8-1kg/con sắp đến ngày thu hoạch cũng chết sạch. “Đúng là miếng ăn đến miệng rồi còn bị cướp. Từ hôm bữa tới giờ cả nhà ăn ngủ không ngon, hôm tôm chết bà vợ tôi khóc hết nước mắt…” - ông Lộc nói như khóc.
Chị My (thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) khóc nghẹn khi tôm chết hàng loạt
Còn bà Nguyễn Thị My (38 tuổi, thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) chỉ nói được câu: “Chết hết rồi, không còn gì nữa hết, trắng tay rồi…”.
Theo ông Đinh Tiệp Khắc - trưởng thôn Hòa Lợi cho biết, tại thôn có khoảng 330 hộ dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước lũ. Đa số, người dân vay mượn ngân hàng nên đang lâm vào cảnh trắng tay. Mỗi gia đình bị “cuốn trôi” khoảng 300 triệu đồng. Nếu bình thường, ông trời cho ăn thì người dân cũng có lãi cao.
Xem xét giãn nợ, cho vay mới
Theo ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Phú Yên, nếu bà con chủ động di dời sớm để tránh lũ thì đỡ thiệt hại. Tuy nhiên, khi nước lũ về xâm nhập, phát tán từ tầng nước đáy đến tầng nước mặn, lan rộng thì “bó tay”, tôm sốc nước ngọt chết hàng loạt.
Người dân xã Xuân Cảnh nghẹn ngào đi khai báo số tôm chết
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Hải Anh, chuyên viên thủy sản Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho rằng do vùng nuôi tôm đầm Cù Mông chẳng khác nào cái túi đựng nước, nước lũ tràn về là hứng hết. Tôm đang sống trong độ mặn 30/1000 nhưng nước bị ngọt hóa nên độ mặn đột ngột giảm nhanh xuống dưới 20/1000 nên tôm bị sốc chết.
Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), hàng trăm ngàn con tôm hùm nuôi bằng lồng ở đầm Cù Mông tại xã Xuân Cảnh đã bị chết do lũ, thiệt hại trên 42 tỷ đồng. Riêng thôn Hòa Lợi, số hộ bị thiệt hại 330 hộ, tôm hùm các loại chết rất nhiều (tôm sao: 18.230 con, tôm xanh 349.855 con và tôm sỏi 260.030 con).
“Đa số những hộ dân này vay theo gói nông nghiệp, nông thôn, hiện tại chúng tôi đang nắm tình hình cụ thể. Sắp tới, xem xét hướng giải quyết theo cơ chế quy định của ngân hàng nhà nước về việc gia hạn nợ, giãn nợ cho người dân” - ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc ngân hàng Agribank Phú Yên cho hay.
Chị Nguyễn Thị Lập đang chuẩn bị giống để thả lứa mới sau vụ tôm trắng tay bị lũ cuốn hơn 200 triệu đồng
Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Phần lớn các hộ nuôi tôm đều vay ngân hàng, giờ đây thiên tai lũ lụt khiến tôm chết làm không ít gia đình trắng tay, nợ nần chồng chất. Do đó, tỉnh Phú Yên đã yêu cầu UBND thị xã Sông Cầu phối hợp cùng Sở NN&PTNT thống kê thiệt hại để UBND tỉnh xem xét, có phương án kiến nghị hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại để người dân sớm ổn định sản xuất”.
Tác giả bài viết: Doãn Công
Nguồn tin: