Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Thời gian qua, công tác CCHC được tỉnh Quảng Nam xác định là khâu đột phá của tỉnh. Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu 3 giảm (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí) trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác kiểm soát TTHC hằng năm và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2017, sau khi hoàn thành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC đối với lĩnh vực Công Thương; Quyết định phê duyệt Danh mục cắt giảm thời gian đối với 801 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành.
Cụ thể, cắt giảm 6.553 ngày/23.964 ngày theo quy định của Trung ương, đạt tỷ lệ 27,3%; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát và phê duyệt Danh mục TTHC cắt giảm 30% thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, Quảng Nam đã thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư của tỉnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/1/2017. Đây là mô hình “3 trong 1” đầu tiên trên cả nước thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ gồm hành chính công, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu phát biểu tại buổi làm việc. |
Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đối với 1.351 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 Sở, ngành và 3 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, đã có 365/ 1.234 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, ban, ngành được thực hiện theo quy trình 4 bước, gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam…
Thống kê cho thấy, trong năm 2017, tỉnh Quảng Nam có 1.260 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 17,4 triệu tỷ đồng, tăng 117,42% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã cấp mới cho 721 doanh nghiệp, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2017. Về lĩnh vực đầu tư, trong năm 2017, Quảng Nam đã cấp 74 dự án với tổng vốn đăng ký 12.840 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã cấp mới 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 67,7 triệu USD, tăng 5 dự án so với cùng kỳ; nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn hiệu lực là 161 dự án với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD; đã cấp phép cho 32 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 1.447 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CCHC gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ-TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rút ngăn thời gian ban hành văn bản.
Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn không đặt thêm thủ tục hành chính trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh theo đúng quy định; Đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận điện năng, phát triển du lịch…; có biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua; Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ quản lý, xử lý công việc chuyên môn trên các lĩnh vực…; Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người dân…
Quang cảnh buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, thiếu sự đồng bộ, thống nhất; Vẫn còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính; Công tác tinh giản biên chế còn có hạn chế và bất cập, việc triển khai xác định vị trí việc làm còn chậm; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại…; Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, Trung tâm hành chính công TP Tam Kỳ chưa kết nối liên thông để chuyển hồ sơ trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước bằng hình thức điện tử.
Tác giả: Tấn Thành- Chí Đại
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết