Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tới thị sát tại khu vực A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, từ năm 2005 đến 6 tháng 6/2018, đã có 3.947 hộ, 23.096 nhân khẩu di cư tự do đi và đến địa bàn tỉnh Điện Biên; 217 hộ, 875 nhân khẩu di cư tự do ra nước ngoài (chủ yếu là sang CHDCND Lào). Địa bàn dân di cư tư do đến tỉnh Điện Biên chủ yếu tập trung ở hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ.
Trong đó, có 2.018 hộ, 13.571 nhân khẩu từ các tỉnh khác di cư tự do vào địa bàn một số vùng trong tỉnh Điện Biên. Ở địa bàn huyện Mường Nhé, từ năm 2005 đến trước 30/4/2011 (thời điểm chưa tách huyện Nậm Pồ, Mường Nhé), di cư tự do từ các tỉnh trong nước đến huyện Mường Nhé là 971 hộ, 6.354 nhân khẩu. Từ sau thời điểm 30/4/2011 đến tháng 6/2018, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 382 hộ, 2.569 khẩu di cư tự do đến.
Dân di cư tự do đi các tỉnh khác từ năm 2005 đến tháng 6/2018 có 444 hộ, 2.179 nhân khẩu của tỉnh Điện Biên di cư đi các tỉnh khác, chủ yếu là các hộ di cư từ các địa phương khác vào rồi tiếp tục di cư đi nơi khác. Địa bàn di cư của các hộ dân di cư tự do chủ yếu là đến các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông…
Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, một trong những khó khăn vướng mắc hiện nay là quỹ đất sản xuất hạn chế, thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu; một số hộ dân đã tìm cách xâm canh vào các khu rừng đầu nguồn gần biên giới, khu bảo tồn, hầu hết những hộ dân trước khi di cư tự do đều là hộ nghèo, đã bán toàn bộ tài sản, nhà ở, đất sản xuất. Vì vậy, khi trao trả về nơi xuất cư thì họ không có nhà ở, đất sản xuất để ổn định cuộc sống dẫn đến tình trạng tái di cư quay trở lại địa bàn tỉnh Điện Biên; ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư xây dựng các điểm sắp xếp ổn định dân cư nhằm đưa các hộ dân di cư tự do mới được tiếp nhận từ các tỉnh khác về.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã điểm lại tình hình di dân tự do của tỉnh từ năm 2005 đến nay và việc bố trí, sắp xếp ổn định nơi ở cho người di dân tự do và cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện việc di dân tự do của Điện Biên, góp phần phục vụ cho hội nghị tới đây về công tác này.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay, tỉnh Điện Biên đã cơ bản ổn định được tình hình di dân tự do. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không phải chỉ là ổn định nơi sinh sống của người dân di tự do mà quan trọng là tìm ra giải pháp giúp đồng bào có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống lâu dài.
Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra các bất cập, vướng mắc để Điện Biên có giải pháp khắc phục trong công tác ổn định di dân tự do.
Đó là, hiện vẫn còn một số hộ dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tái di cư tự do đến các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc những khu vực lân cận khác; điều kiện sản xuất ở nơi xuất cư gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu dẫn đến tình trạng đất canh tác nhanh bạc màu, năng suất cây trồng thấp, dân số tăng nhanh do sinh đẻ nhiều; cơ sở hạ tầng tại nơi dân di cư đi còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó là tập tục du canh, du cư vẫn tồn tại, một số gia đình di cư theo dòng họ, theo cộng đồng; hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân của các cấp, các ngành về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế; một số cấp chính quyền tại địa bàn nơi xuất cư còn buông lỏng lãnh đạo, quản lý hộ tịch, hộ khẩu và giải quyết đời sống, sản xuất cho nhân dân. Chính quyền nơi có dân di cư đến còn lúng túng trong công tác quản lý dân cư, chưa kiên quyết xử lý dứt điểm; tiến độ quy hoạch, đo đạc, lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm ảnh hưởng đến tiến độ bố trí sắp xếp, ổn định dân. Công tác quản lý đất đai của chính quyền cơ sở còn yếu, thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, một số địa bàn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện, công tác quản lý dân cư đã được tăng cường nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án. Công tác quản lý đất tại khu vực người dân sau khi đã di chuyển đến điểm tái định cư mới chưa được chính quyền địa phương thực hiện triệt để; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án chậm nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển vào vùng quy hoạch.
Theo quy hoạch, nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ, được đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, lớp học, nhà văn hoá cộng đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chưa đáp ứng được, do vậy khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển vào vùng quy hoạch, nhân rộng các mô hình điểm.
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng Điện Biên cần làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với thế mạnh về du lịch với nhiều danh thắng nổi tiếng mà không phải tỉnh nào cũng có được, đất đai màu mỡ, phong phú đa dạng vì vậy, tỉnh nên có những giải pháp hiệu quả, sắp xếp ổn định dân cư, nhất là di dân tự do, nếu bà con có đất ở ổn định, đất sản xuất đủ rộng thì có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời, tỉnh có thể nghiên cứu để trồng các loại cây đặc hữu như sa nhân, sả, đinh lăng để đồng bào có thể từng bước vươn lên làm giàu.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tỉnh cần nghiên cứu chọn hướng đi chiến lược, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vì đây sẽ là động lực kéo bộ phận đồng bào còn nghèo đi lên. Khuyến khích đầu tư, khởi nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp lên Điện Biên đầu tư phát triển, xây dựng các vùng sản xuất lớn như cao su, mắc ca để ổn định biên giới, không để bà con di dân tự do đến các tỉnh, gắn với việc xây dựng tuyến biên giới ổn định, hoà bình và phát triển. Tỉnh không để có tình trạng “trắng” chi bộ Đảng trên địa bàn nhằm không cho một số thế lực lợi dụng xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó là nâng cao năng lực hệ thống chính trị cơ sở để quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý dân cư, quản lý đất đai; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện tốt Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về chủ trương, giải pháp, tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do.
Tỉnh cần hoàn thiện chính sách phát triển nông thôn bền vững, lồng ghép một cách có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp với các cây, con có mức sinh lợi cao nhằm giảm bớt sự cách biệt trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng.
Trong đó, rà soát dành quỹ đất để cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thuộc chương trình bố trí dân cư các xã biên giới; tập trung đầu tư giải quyết dứt điểm các dự án đang triển khai, ưu tiên các dự án đã gần hoàn thành.
Ở các huyện có dự án ổn định dân di cư tự do và những huyện đã có kế hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, cần triển khai xây dựng phương án di dời các hộ dân di cư tự do vào vùng quy hoạch dân cư bố trí đất ở, đất sản xuất đã được phê duyệt của dự án, gắn với quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã được UBND cấp huyện phê duyệt. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao đất ở, đất sản xuất cho hộ di cư tự do.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình bố trí dân cư đầu tư đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, nhất là các điểm sắp xếp ổn định dân di cư tự do để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm đầu ra; huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức hợp pháp khác để đầu tư, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Khẩn trương xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập hộ khẩu, cấp căn cước công dân, đăng ký tạm trú, thường trú; hình thành, công nhận các điểm, nhóm dân cư theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tăng cường lực lượng xuống cơ sở để nắm tình hình, ngăn chặn tình trạng người dân vào vùng sâu phá rừng; tăng cường công tác bảo vệ rừng; giải quyết dứt điểm các vụ việc phá rừng trái phép và các vụ việc liên quan đến tội phạm, tranh chấp đất đai; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm nhằm lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật bảo vệ rừng, củng cố niềm tin đối với người dân tham gia bảo vệ rừng.
Về các kiến nghị của Điện Biên, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở tạo điều kiện cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng Hội Khuyến học Mường Nhé 100 triệu đồng hỗ trợ các cháu học sinh nghèo trước thềm năm học mới. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
* Nhân chuyến công tác tại Điện Biên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch Danh dự Quỹ bảo trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số của Báo Công an nhân dân đã trao tặng Hội Khuyến học tỉnh Điện Biên 200 triệu đồng và Hội Khuyến học huyện Mường Nhé 100 triệu đồng nhằm hỗ trợ các em trước thềm năm học mới.
Tác giả: Lê Sơn
Nguồn tin: Báo Chính phủ