Nỗi lo và bài toán lớn nhất của Phó Thủ tướng là tránh một nền kinh tế hai khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước, đồng thời kết nối chúng lại.
Theo Phó Thủ tướng nói, hiện nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau FDI và khu vực trong nước.
Bối cảnh nền kinh tế cần những mô hình mới, cách thức tăng trưởng mới, Phó Thủ tướng đặt một loạt câu hỏi nóng cho các chuyên gia kinh tế để kiến giải |
Ông đặt câu hỏi: "Vấn đề kết nối như thế nào? Làm thế nào để tránh rủi ro khiến nền kinh tế hình thành hai khu vực, thậm chí 2 nền kinh tế trong một đất nước? Giải bài toán thế nào, khắc phục ra sao hiện nay Việt Nam chưa có. Chính vì vậy, cần quan điểm tiếp cận và lý giải của các chuyên gia Việt Nam cũng như nước ngoài.
"Nhiều người yêu cầu chúng ta phải chọn lọc FDI theo định hướng phát triển của Việt Nam, theo tiêu chí phải là công nghệ cao, vào Việt Nam phải phát triển thành chuỗi giá trị và hỗ trợ khu vực trong nước... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết nối như thế nào khi mà hiện trạng phát triển thời gian vừa qua cho thấy hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều", Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Tăng trưởng một cách toàn diện, nhưng động lực chính hiện nay lại phân tán.
"Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá nhiều thì cuối cùng chả có cái gì nhọn cả", Phó Thủ tướng nói.
Về các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng, Phó Thủ tướng rất lo về số liệu thống kê và độ tin cậy của ngành thống kê, ông khẳng định: Hiện Việt Nam còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Chính phủ muốn tự mình đặt ra, xác định hệ thống chỉ tiêu để phấn đấu và thực hiện.
"Tôi đọc rất nhiều ý kiến của chuyên gia về thống kê, họ không tin tưởng số liệu thống kê vì người ta không được cung cấp đầy đủ số liệu liên quan", ông chia sẻ sự quan tâm.
Về chiến lược tăng trưởng, Phó Thủ tướng khẳng định: Quan điểm của Chính phủ phải tăng trưởng toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì không có ý nghĩa.
"Tăng trưởng phải bền vững nhằm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, phải tăng trưởng “nâu” - (tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ - PV) sang tăng trưởng xanh, bền vững", Phó Thủ tướng nói
Phó Thủ tướng đặt ra vấn đề là trong khi chúng ta vẫn phải duy trì tốc độ phát triển, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế ngày càng đặt ra nhiều hơn. Trước kia chúng ta đặt trọng tâm vào 3 nhiệm vụ, nay phải là 5 trọng điểm: Đầu tư, trong đó nhấn mạnh cải cách đầu tư công, cải cách khu vực kinh tế Nhà nước, trọng tâm là DNNN; cải cách khu vực tài chính và hệ thống ngân hàng và hiện vấn đề nóng nhất là tái cơ cấu sự nghiệp công, đặc biệt là thu chi ngân sách, nợ cộng, giảm biên chế.
"Kinh tế thế giới là vậy, trong nước Việt Nam ngoài đối mặt với vấn đề thiên tai; các chính sách vĩ mô cho phát triển hiện cũng vô cùng chật hẹp, cần thay đổi. Chúng ta lại phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, yếu kém, thậm chí là khuyết tật của nền kinh tế trong nhiều năm qua", Phó Thủ tướng nêu.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: Muốn phát triển nhanh, bền vững, không còn cách nào khác là Việt Nam phải chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta nói nhiều rồi nhưng chưa thay đổi được.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí