Kinh tế

Phó Thủ tướng: “Không cấp thêm xu nào cho dự án yếu kém ngành công thương”

Nói về việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm và khẳng định: “Chính phủ kiên quyết không cấp thêm xu nào cho dự án các yếu kém này, phải xử lý theo nguyên tắc thị trường”.​

Chiều nay (26/2), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp quan trọng về xử lý 12 doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tham dự đánh giá việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được từ việc thực hiện Đề án 1468 của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương trong năm 2017. Kiểm điểm lại những nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các dự án, doanh nghiệp như thế nào trong việc xử lý yếu kém, vướng mắc tồn tại, tiết giảm chí phí, nâng cao năng lực bảo trì. Đánh giá sự tham gia các Bộ ngành đối với 12 dự án yếu kém này, đặc biệt là Bộ Công Thương, những nhiệm vụ hoàn thành thì làm được đến đâu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Theo Quyết định 1468, lộ trình xử lý có 3 mốc cụ thể: Năm 2017 - Hoàn thành toàn bộ phương án xử lý đối với từng dự án, từng doanh nghiệp, cũng như kế hoạch, phương án chi tiết để tổ chức triển khai quyết liệt. Năm 2018 - mục tiêu Chính phủ đặt ra là xử lý căn bản những yếu kém của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý yếu kém đối với các doanh nghiệp của ngành công thương.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, kết thúc năm 2017 đã hoàn thành phê duyệt phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, đối với 12 nhiệm vụ được giao trong năm 2017 thì đã hoàn thành 7/12 nhiệm vụ, 4/12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và 1/12 nhiệm vụ chưa có kết quả báo cáo từ đơn vị. Đối với 25 nhiệm vụ được giao từ năm 2017 - 2018, đã hoàn thành 4/25 nhiệm vụ, 21 nhiệm vụ còn lại vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương có 2 mục tiêu rõ ràng. “Thứ nhất, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại. Thứ hai là xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đối với từng dự án, từng doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định không cấp thêm đồng vốn nào cho 12 doanh nghiệp yếu kém của ngành Công Thương

Theo Phó Thủ tướng, để phát triển nhanh và bền vững thì một mặt chúng ta phải tạo ra năng lực sản xuất mới, có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tập trung chắt lọc, cắt bỏ năng lực dư thừa và năng lực sản xuất yếu kém, không còn khả năng phục hồi nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, phát triển doanh nghiệp mới, phát triển dự án mới.

“Đối với những dự án yếu kém không thể phục hồi được chúng ta phải xử lý, những dự án nào có khả năng phục hồi thì sẽ phục hồi với khả năng cao nhất” - Phó Thủ tướng cho hay.

Việc xử lý 12 doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng là đánh giá về những chuyển biến bước đầu đối với từng dự án, từng doanh nghiệp.

Thực tế, đã có những ý kiến cho rằng nên đưa ra khỏi danh sách yếu kém đối với những dự án doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực và bắt đầu có lãi, đơn cử như Nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc từ tình trạng đắp chiếu nay đã vận hành được 80% công suất... Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Ban chỉ đạo là nếu hoàn thành các mục tiêu thì cho ra khỏi danh sách chứ không giữ làm gì.

Hiện nay, khó khăn của các dự án, doanh nghiệp là giải quyết vướng mắc trong tranh chấp hợp đồng EPC vì phần lớn liên quan đến yếu tố nước ngoài, nhà thầu nước ngoài và khó khăn về tài chính.

“Các đơn vị phải cho biết việc giải quyết đến đâu, định hướng tới đây như thế nào, nếu 2 bên không giải quyết được thì phải có bên thứ 3, như Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã thống nhất đưa ra trọng tài quốc tế. Đối với khó khăn về mặt tài chính, Chính phủ kiên quyết không cấp thêm đồng xu nào cho các dự án, doanh nghiệp này, phải xử lý theo nguyên tắc thị trường” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo lộ trình, năm 2018 xử lý căn bản những yếu kém của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý yếu kém đối với các doanh nghiệp của ngành Công Thương.

Theo lãnh đạo Chính phủ, ở đây chỉ có thể nói tới việc chia sẻ lợi ích của các bên liên quan tới dự án trong cơ cấu lại tín dụng, thời hạn vay, lãi vay vốn... Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có thể xem xét để giãn thời gian khấu hao nhằm thu hồi và trả nợ vay. Hiện về cơ bản một số dự án đã xử lý tương đối tối theo nguyên tắc này, nhưng nhiều dự án khác vẫn rất khó khăn.

“Đơn cử như Nhà máy đạm Ninh Bình, theo cơ chế thu hồi 10 đồng tiền vay rồi lại vay tiếp 10 đồng thì hoàn toàn có thể tiếp tục hoạt động, nhưng nếu thu hồi 10 đồng mà cho vay 9 đồng thì Nhà máy này sẽ khó khăn. Nếu không thu xếp được vốn thì Nhà máy không thể hoạt động. Đây hoàn toàn là bài toán chia sẻ theo nguyên tắc thị trường, trong đó có các định chế tài chính, tổ chức tín dụng.” - Phó Thủ tướng dẫn chứng thêm.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP