Tên lửa siêu thanh BrahMos. Ảnh: RT |
"Quân đội Philippines đã đạt sự đồng thuận về hệ thống tên lửa BrahMos. Vấn đề hiện tại là đàm phán giá cả. Chúng tôi hy vọng thỏa thuận sẽ được hoàn tất trong năm 2020", quan chức giấu tên thuộc Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Ấn Độ đồng thời cho biết có thể cung cấp khoản vay tín dụng mua sắm quốc phòng trị giá 100 triệu USD cho Philippines, tuy nhiên số tiền cho vay còn phụ thuộc vào số lượng hệ thống BrahMos mà nước này quyết định mua. Tuy nhiên, Manila đang xem xét mua BrahMos bằng nguồn tiền riêng của mình.
Trước đó, vào hồi tháng 10, quân đội Philippines xác nhận sự quan tâm trong việc mua vũ khí nhằm tăng cường năng lực phòng thủ ven biển. Phiên bản phóng từ mặt đất của hệ thống BrahMos cũng đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm vũ khí tại thủ đô Manila tuần trước.
Ấn Độ đã có cuộc đàm phán tương tự với các nước khác, bao gồm Thái Lan và Indonesia.
BrahMos được phát triển bởi Ấn Độ và Nga, được mô tả là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới. Ngoài phiên bản trên đất liền, nó có thể được phóng từ máy bay phản lực, tàu hoặc tàu ngầm.
Mẫu cơ bản của tên lửa BrahMos dài 9m, nặng 3 tấn, có tầm bắn 300 km, tốc độ 3.700 km/h. Mô hình nâng cấp của nó được cho là có phạm vi tấn công lên tới 500km.
New Delhi đã phóng thử thành công tên lửa từ máy bay Su-30 vào mùa xuân năm 2018. Các thử nghiệm của các phiên bản trên đất liền và trên tàu của BrahMos đã diễn ra vào mùa thu này.
Nhiều quốc gia cũng tỏ ý quan tâm tới hệ thống BrahMos, nhưng chưa có thỏa thuận nào được thống nhất. "Một số quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng mua tên lửa diệt hạm BrahMos, đó sẽ là địa điểm xuất khẩu đầu tiên của dòng vũ khí này", quan chức tập đoàn BrahMos Aerospace cho biết hồi tháng 5.
Tác giả: Mộc Miên
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật