Trong nước

Phiên họp toàn thể lần thứ tám Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Sáng 5-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ tám.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, dự thảo luật được chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng luật, bám sát kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, có tính chất phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu sâu thêm, có giải trình thuyết phục để giải quyết một cách hợp lý nhất các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo Luật), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ rõ, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý tài sản, thu nhập là rất cần thiết.

Dự thảo Luật giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả Trung ương và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra (gọi chung là cơ quan thanh tra) kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo Luật và cho rằng cơ quan thanh tra có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời đây cũng là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Giải trình về nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo tính toán, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập khoảng 6.000 đối tượng, các cơ quan thanh tra cấp tỉnh kiểm soát trên dưới 2.000 người, riêng các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM khoảng 10.000 đối tượng.

Nếu dự thảo Luật được thông qua và Quốc hội ra Nghị quyết kèm theo để tổ chức thi hành luật thì ngành Thanh tra sẽ đề xuất chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: Quốc hộ , Ủy ban Tư pháp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP