Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vừa có đề xuất gửi UBND tỉnh về việc điều chỉnh mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long từ ngày 1-1-2019 nếu được HĐND tỉnh thông qua.
Liên tục điều chỉnh phí
Theo đó, tuyến 1, 2, 5 tăng 20%, từ 250.000 lên 300.000 đồng/lần/người. Tuyến 4 tăng 25%, từ 200.000 lên 250.000 đồng/lần/người. Tuyến 3 giữ nguyên để thu hút khách du lịch tham quan nhằm giãn khách du lịch tham quan tập trung vùng trọng tâm di sản.
Các tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long Ảnh: TRỌNG ĐỨC |
Riêng các tuyến tại khu vực lưu trú nghỉ đêm trên vịnh, mức phí dự kiến điều chỉnh tăng bình quân từ 73% đến 85%. Cụ thể, tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ đêm tuyến 2 (gồm cả lưu trú nghỉ 1 đêm và 2 đêm), từ 550.000 lên 950.000 đồng/lần/người (1 đêm) và từ 750.000 lên 1,3 triệu đồng/lần/người (2 đêm).
Khách tuyến 3, 4 lưu trú 1 đêm tăng 80% (từ 500.000 lên 900.000 đồng/lần/người); nghỉ 2 đêm tăng 85% (từ 650.000 lên 1,2 triệu đồng/lần/người).
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý vịnh Hạ Long, lý giải việc tăng phí này dựa theo lộ trình và căn cứ thực tế mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh so với một số di sản thế giới cũng như các nước trong khu vực. Việc tăng mức phí này dự kiến tác động không nhiều đến đối tượng khách du lịch tham quan vịnh vào ban ngày do mức điều chỉnh chỉ tăng từ 20% đến 25%.
Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho hay số tiền phí thu về được trích lại 11% cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, 89% số tiền còn lại sẽ giao cho UBND TP thực hiện các mục tiêu phát triển vịnh.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN) du lịch, việc tăng phí này là quá sốc, mức tăng quá cao. Chưa kể, đây mới là phí tham quan, chưa bao gồm chi phí ăn uống, thuê tàu thuyền của du khách. Việc tăng phí quá cao sẽ gây sốc và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, đẩy giá tour tăng cao gây khó cho du khách. Với mức phí tham quan hiện tại, một du khách tham quan 3 ngày 2 đêm ở vịnh Hạ Long đã mất tổng cộng 1,13 triệu đồng bao gồm phí lưu trú 750.000 đồng, phí xuất bến Tuần Châu 40.000 đồng/người, phí sang tuyến 3 thăm làng chài Cửa Vạn 250.000 đồng, phí thuyền nan tại làng chài 60.000 đồng và phí chèo đò ở Hang Luồn 30.000 đồng.
Ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Luxury Travel, cho biết tháng 4-2017, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã điều chỉnh mức phí lưu trú trên vịnh tăng thêm 275% cho 2 đêm và 200% cho 1 đêm. Nay lại tiếp tục đề xuất thêm một mức phí mới "không tưởng", từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/khách nghỉ qua đêm trên vịnh (tương đương 42-58 USD/khách).
"Nếu đề xuất này được thông qua, du khách sẽ phải trả gần gấp đôi chi phí đang áp dụng, chưa tính chi phí ăn uống, ngủ nghỉ trên tàu. Mức này là quá cao và bất hợp lý cho một chuyến đi. Việc tăng phí phải đi kèm với cải thiện chất lượng dịch vụ, trong khi hiện tại ở vịnh các vấn đề như rác, vệ sinh, sóng WiFi chập chờn… vẫn chưa cải thiện" - ông Phạm Hà bức xúc.
Giảm sức cạnh tranh của điểm đến
Bất ngờ trước đề xuất tăng phí tham quan ở vịnh Hạ Long, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhận xét phí tham quan ban ngày 300.000 đồng/người/tuyến sẽ là mức phí cao nhất so với các điểm di sản, di tích ở Việt Nam. Nếu nhìn vào việc điểm đến này liên tục tăng phí trong mấy năm qua thì đề xuất điều chỉnh lần này chính là tận thu. "Mức phí tham quan nghỉ đêm từ 900.000 đồng, trong khi chi phí một đêm ở khách sạn 4 sao chỉ khoảng 600.000 đồng là chưa hợp lý. Nếu tính cả chi phí ăn uống, thuê tàu…, giá tour cho một du khách tham quan vịnh Hạ Long có thể lên tới 2-3 triệu đồng/người. Mức này là quá cao so với mặt bằng chung và khiến những du khách ít tiền không có cơ hội tham quan vịnh, trong khi đây là di sản thiên nhiên. Ở Campuchia, các di sản nổi tiếng như Angkor, người dân địa phương được miễn phí tham quan" - ông Trần Thế Dũng phân tích.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết du khách nghỉ qua đêm trên tàu ở vịnh Hạ Long chủ yếu là nhóm khách từ châu Âu, Bắc Mỹ… Đây là các thị trường khách truyền thống chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày, thường thích lưu trú trên tàu qua đêm nhưng ban quản lý vịnh lại muốn tăng mạnh phí này là không hợp lý.
"Ban đêm ở vịnh không có tình trạng quá tải như ban ngày. Với các tuyến quá công suất như tuyến 1 (Cảng tàu - khu vực Công viên Vạn Cảnh) có lượng khách đông, thường xuyên tàu thuyền chen chúc, xếp hàng chờ lên các hang thì có thể tăng phí để hạn chế lượng khách. Nhưng riêng với khách lưu trú qua đêm trên tàu không quá đông nếu tăng phí cao có vẻ chưa hợp lý" - ông Phan Xuân Anh nói.
Quan trọng hơn, theo các DN, tăng phí phải đi kèm với cải thiện chất lượng dịch vụ. Việc tăng phí liên tục trong mấy năm qua và không theo lộ trình sẽ khiến điểm đến du lịch giảm sức cạnh tranh.
Dự kiến hôm nay, ngày 1-8, các DN du lịch sẽ gửi đơn kiến nghị về việc hoãn điều chỉnh mức phí tham quan trên vịnh Hạ Long.
Tác giả: THÁI PHƯƠNG - TRỌNG ĐỨC
Nguồn tin: Báo Người lao động