Hôm 24/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được công văn số của Bệnh viện Trung ương Huế về việc giả danh để sản xuất và bán sản phẩm có tên là Thuốc Bác Bắc của Tổng Công ty Dược - Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh viện Trung ương Huế phát hiện việc mạo danh bệnh viện để bán thuốc. Ảnh minh họa: Bệnh viện Trung ương Huế/Báo Tổ quốc |
Qua kiểm tra hệ thống dữ liệu đăng ký bản công bố sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm xác định Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7026/2019/ĐKSP ngày 13/6/2019 không cấp cho sản phẩm có tên Thuốc BÁC BẮC của Tổng công ty Dược Bệnh viện Trung ương Huế.
Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin trên đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để điều tra vụ việc. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có tên Thuốc Bác Bắc của Tổng Công ty Dược - Bệnh viện Trung ương Huế.
Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân buôn bán sản phẩm có các thông tin nêu trên, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định.
Mới đây, Bệnh viện Quân y 103 cũng đã phát đi thông báo về tình trạng các thuốc gắn mác bệnh viện để bán ra thị trường. Nhiều tài khoản Facebook gắn mác "Bệnh Viện (Bệnh viện hoặc BV) Quân Y", "Bệnh viện Quân Y 103" chào bán các sản phẩm như: tỏi đen, thuốc giảm cân, viên uống Nano Curcumin...
Để thuyết phục khách hàng người bán hàng cam kết: "Trong quá trình dùng thuốc không bị dị ứng, bong tróc, sưng đỏ, tháng đầu tiên sẽ thấy hiệu quả rất rõ như da sáng mịn. Hiệu quả sau hai đến ba tuần. Ngoài trị nám, tàn nhang sản phẩm còn dưỡng trắng da, chống lão hoá, xoá đồi mồi, vết thâm do mụn, nâng cơ, se khít lỗ chân lông và phục hồi da”. Sản phẩm chỉ có dòng chữ in
Thượng tá Cao Tiến Hỷ, Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện Quân Y 103 (Viện 103) chia sẻ trên Báo Giao thông, khẳng định bệnh viện không sản xuất các sản phẩm này. Tên sản phẩm in trực tiếp trên thân lọ và một tem "chống hàng giả" dán ở nắp, ngoài ra không có hướng dẫn cách dùng, mã số hay bất cứ thông tin gì khác trên sản phẩm.
"Viện 103 không sản xuất các sản phẩm đó. Viện 103 chỉ sản xuất hai sản phẩm, bán theo kê đơn của bác sỹ cho người khám và điều trị tại bệnh viện là Hoạt huyết CM2 đựng trong chai nhựa, thuốc dạ dày Đơn số 12 dạng gói và bán đủ một liều điều trị, không bán nhiều hơn. Viện 103 không bán sản phẩm nào qua mạng. Càng không bán bất cứ sản phẩm nào cho các cơ sở khác kinh doanh" - Thượng tá Cao Tiến Hỷ nhấn mạnh.
Tình trạng giả mạo thuốc của các bệnh viện Trung ương xảy ra từ lâu nay nhưng vẫn tái diễn do thấy được nhu cầu sử dụng sản phẩm của các bệnh viện lớn nhưng lại hạn chế về thông tin.
Tác giả: Cúc Phương
Nguồn tin: Báo Đất Việt