Một phụ nữ Triều Tiên sống tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh: AP) |
Bị lừa bán
Người phụ nữ Triều Tiên tên SY lái xe chậm rãi qua một con đường hẹp phủ bóng những cây ngô cao ngút để trở về căn nhà ở trang trại - nơi cô đang sống cùng một người đàn ông Trung Quốc tật nguyền và cũng là người từng mua cô về trước đây.
Đã 11 năm trôi qua kể từ khi SY bị dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc với những lời hứa hẹn về một công việc tốt đẹp. Tuy nhiên, đó cũng là lúc cuộc sống của người phụ nữ này thay đổi khi cô bị lừa bán và trải qua những năm tháng cơ cực.
Sau khi bị bán sang Trung Quốc, SY luôn sống trong nỗi lo sợ rằng cảnh sát nước sở tại sẽ tới bắt và đưa cô trở lại Triều Tiên. Nếu quay về quê nhà, SY có thể sẽ bị bắt giam và đối mặt với sự khinh miệt của hàng xóm - những người sẽ coi cô như một kẻ xa lạ. Tuy nhiên, điều khiến SY đau khổ và nuối tiếc nhất là những đứa con mà cô đã bỏ lại tại Triều Tiên.
“Khi mới đến đây, tôi dành cả ngày để uống rượu vì lo lắng cho những đứa con ở nhà. Khi đó tôi như người bị mất trí”, SY nhớ lại.
Theo ước tính của các chuyên gia, có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn phụ nữ Triều Tiên đã bị bán sang biên giới để kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc kể từ khi xảy ra nạn đói khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng tại Triều Tiên từ giữa thập niên 1990.
Những kẻ môi giới đã dụ dỗ những người phụ nữ này rằng họ có thể tìm được việc làm ở Trung Quốc. Tuy nhiên rốt cuộc, chúng bán họ cho những người đàn ông Trung Quốc, trong đó phần lớn là nông dân nghèo sống ở 3 tỉnh giáp biên giới Triều Tiên. Đây là những người đàn ông khó kiếm vợ do chính sách một con của chính phủ Trung Quốc khiến số lượng nữ giới ngày càng ít đi.
Cuộc sống đất khách quê người
Những người phụ nữ Triều Tiên được phỏng vấn thường giấu tên để tránh bị lộ danh tính (Ảnh: AP) |
Cũng giống như SY, phần lớn phụ nữ Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc đều đã có con ở quê nhà. Do bị lừa bán nên họ sống ở Trung Quốc theo diện bất hợp pháp và chưa bao giờ đăng ký kết hôn chính thức với chính người chồng của mình.
Một số phụ nữ Triều Tiên sống hòa thuận với gia đình mới và bằng lòng với cuộc sống mới tại Trung Quốc, trong khi một số khác bị chính người chồng của mình ngược đãi, hoặc bị người thân, hàng xóm dè bỉu và phớt lờ. Có những người tiếp tục đánh cược khi mạo hiểm chạy trốn sang Hàn Quốc. Và một lần nữa họ phải đối mặt với lựa chọn đau lòng, đó là bỏ lại những đứa con mới của mình ở Trung Quốc.
Những năm đầu tiên sống nơi đất khách quê người là giai đoạn cực khổ nhất đối với SY. Là một phụ nữ góa chồng sống ở một thành phố gần thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, SY thậm chí không kịp chào tạm biệt hai con trai của mình khi bỏ trốn sang Trung Quốc. Lúc đó, SY chỉ đơn giản nghĩ rằng cô sẽ sớm quay trở lại quê nhà sau khi có trong tay một khoản tiền kiếm được ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đời SY bất ngờ rẽ sang một hướng mới khi cô bị kẻ môi giới bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ với giá 14.000 tệ (khoảng 2.790 USD).
SY nói rằng người chồng Trung Quốc đối xử với cô rất tốt và họ đã có một đứa con chung. Tuy nhiên người phụ nữ này không bao giờ quên được hai con trai ở Triều Tiên - những đứa trẻ mà cô chưa một lần gặp mặt kể từ năm 2006. Vào một ngày đau khổ và buồn chán, SY đã uống thuốc ngủ để tự tử. Nhưng khi tỉnh lại, SY nhận ra rằng đứa con gái mang một nửa dòng máu Trung Quốc của cô vẫn cần có mẹ.
SY đã bỏ qua cơ hội trốn sang Hàn Quốc vì lo lắng về việc bỏ lại chồng và con ở Trung Quốc. Cô cho biết: “Tôi ở đây vì gia đình mình… và vì tôi biết ơn chồng tôi”.
Người chồng 55 tuổi của SY và những người thân trong gia đình ông đã bán lợn và ngô để thuê các đối tượng môi giới kiểm tra tình hình hai người con riêng của SY tại Triều Tiên. Sau đó họ biết được rằng anh trai của SY đang nuôi dưỡng hai đứa trẻ này và chồng của SY đã gửi 15.000 tệ về Triều Tiên để giúp đỡ các con riêng của vợ.
“Tôi thực sự cảm thấy thích khi lần đầu gặp bà ấy. Tôi là một người tật nguyền và tôi nghĩ điều đó thật bất công với bà ấy. Bà ấy lẽ ra gặp được người chồng tốt hơn tôi”, chồng của SY chia sẻ.
Hai người phụ nữ Triều Tiên khác được AP phỏng vấn tại tỉnh Liêu Ninh cũng nói rằng chồng của họ đối xử tốt với vợ, nhưng cũng có những người không được may mắn như vậy. Một cô dâu Triều Tiên từng có ý định bỏ trốn sang Hàn Quốc kể rằng người chồng Trung Quốc đã trói cô vào cột trong nhiều giờ sau khi phát hiện cô đang tìm cách bỏ trốn.
Những người phụ nữ Triều Tiên thường sống trong tâm trạng lo lắng về nguy cơ bị bắt giữ và đưa trở lại Triều Tiên. Họ tránh đi lại nhiều vì giới chức Trung Quốc những năm gần đây thường yêu cầu người dân phải trình chứng minh thư trước khi rời khỏi khu vực nào đó. Các cô dâu Triều Tiên cũng biết rất ít tiếng Trung Quốc, họ không có nhiều bạn bè và không được hưởng những phúc lợi về y tế cũng như xã hội giống như những công dân Trung Quốc hợp pháp khác. Họ sống vì những đứa con mang một nửa dòng máu Trung Quốc của mình.
Những cô dâu bỏ trốn
Hai người phụ nữ Triều Tiên tại Liêu Ninh (Ảnh: AP) |
Đối với những phu nữ Triều Tiên ôm mộng bỏ trốn khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc là một điểm đến hấp dẫn với viễn cảnh được cấp quyền công dân, tiền tái định cư, những căn hộ gần như miễn phí và không gặp vấn đề về ngôn ngữ.
Tuy nhiên để đến được Hàn Quốc, họ phải đi qua một chặng đường dài và gian truân, và một lần nữa họ lại đặt cược niềm tin vào tay những người môi giới. Một số người nói dối chồng rằng họ sẽ trở lại sau khi kiếm được tiền ở Hàn Quốc, trong khi một số tìm cách bỏ trốn giữa đêm tối. Họ thường bỏ lại con ở Trung Quốc và ra đi một mình.
Sau khi sống ở một ngôi làng tại tỉnh Liêu Ninh được 2 năm rưỡi, Kim Jungah không thể chịu được suy nghĩ rằng con gái cô một ngày nào đó sẽ nhìn thấy mẹ bị các nhà chức trách Trung Quốc lôi đi.
“Tôi bị mất ngủ hàng đêm. Bất kể khi nào nghe thấy tiếng ô tô, tôi lại lo sợ rằng đó có thể là xe của cảnh sát”, Kim, 41 tuổi, cho biết.
Năm 2009, Kim bỏ trốn sang Hàn Quốc với suy nghĩ rằng sau khi kiếm được một khoản tiền tại đó, cô sẽ quay về thuyết phục chồng để cả gia đình cùng sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, chồng Kim đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của cô.
Kim không có cơ hội nói chuyện với con gái từ năm 2013 do chồng cô đổi số điện thoại sau khi phát hiện ra Kim đã kết hôn tại Hàn Quốc. Kim kể rằng cha đẻ của con gái cô ở Trung Quốc thực chất là một người Triều Tiên và vào thời điểm cô bị bán sang Trung Quốc năm 2006 với giá 19.000 tệ, cô không biết mình đang mang thai.
Trong một lần trở về thăm nhà gần đây, con gái của Kim, 10 tuổi, vẫn vui vẻ và khỏe mạnh bên người cha Trung Quốc của mình. Chồng của Kim cho biết ông sẽ vẫn đối xử với con riêng của vợ như con đẻ của mình.
Sau khi sang Hàn Quốc, Kim nói sẽ đưa cho người chồng Trung Quốc 50.000 tệ nếu người đàn ông này trao con gái cho cô. Và nếu ông từ chối đề nghị này, Kim dọa sẽ khởi kiện. Tuy nhiên, chồng cô tuyên bố sẽ không cho phép con gái gặp mẹ cho đến khi cô bé trưởng thành. Người đàn ông Trung Quốc tự gọi ông là nạn nhân của một trò lừa đảo hôn nhân.
“Cô ấy đến đây, sinh ra một đứa con và bỏ đi. Cô ấy có lương thực để ăn và có nhà để ở. Tôi không hiểu sao cô ấy vẫn rời đi”, chồng của Kim nói.
Trong khi đó, một số phụ nữ Triều Tiên đã được đoàn tụ với gia đình. Kim Sun-hee, 38 tuổi, đang sống tại một căn hộ nhỏ gần Seoul cùng người chồng Hàn Quốc gốc Hoa Chang Kil-dong, 48 tuổi - người từng bỏ ra 8.000 tệ mua cô khi cô 18 tuổi. Kim đã tới Hàn Quốc năm 2008.
Hiện là lao động chân tay ở Hàn Quốc, Chang cho biết ông rất vui vì vợ ông sau khi sang Hàn Quốc đã quay về Trung Quốc để đưa ông sang cùng. Ban đầu, ông cứ nghĩ vợ sẽ bỏ rơi mình ở Trung Quốc. Chang ước có thể quay ngược thời gian và thay vì trả tiền cho đối tượng môi giới, ông sẽ đưa tiền làm sính lễ cho gia đình vợ để làm đám cưới như truyền thống.
“Đó là một vụ buôn người”, Chang nói.
Cảm xúc giằng xé
Bà Kim Jungah nghẹn ngào kể lại cuộc sống sau khi rời khỏi Triều Tiên (Ảnh: CTV News) |
Cả 3 người phụ nữ AP phỏng vấn ở Trung Quốc đều bỏ lại con ở Triều Tiên vì họ nghĩ rằng việc bỏ trốn chỉ là tạm thời. SY muốn nuôi lợn để kiếm tiền thuê môi giới, từ đó biết thêm tung tích về các con của cô ở Triều Tiên. Trong khi đó, Kim nói rằng cô quá nghèo đến mức không có tiền để thuê ai đó tìm hiểu xem đứa con 12 tuổi mà cô bỏ lại ở Triều Tiên từ năm 2007 hiện giờ sống ra sao.
“Bất kể khi nào nghĩ về đứa con ở Triều Tiên, tôi đều khóc”, Kim nói.
Có quá nhiều phụ nữ Triều Tiên ở Trung Quốc đã bỏ trốn. Vì vậy, những người ở lại phải đối mặt với sự dè bỉu của người dân trong làng.
“Mọi người gọi chúng tôi là gà mái. Họ nói chúng tôi không phải là nhữn người mẹ thực sự, vì chúng tôi giống như những con gà mái, đẻ trứng xong lại rời đi chỗ khác”, SY nói.
Trong khi đó, những đứa trẻ bị những người mẹ Triều Tiên bỏ lại ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự coi thường. Một phụ nữ Triều Tiên nói rằng một bạn cùng lớp với con gái cô đã bị các bạn trêu ghẹo vì có mẹ bỏ đi ngay sau khi cậu bé này lọt lòng.
Những người phụ nữ Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc thường sống trong cảm giác bị giằng xé giữa cuộc sống mà họ đang lựa chọn với cuộc sống khi họ bị bán sang Trung Quốc. Y, một trong số những người Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc từ năm 2006, nói rằng cô không liên lạc với gia đình ở Trung Quốc dù có một đứa con trai, vì cô bị đối xử quá tệ bạc ở Trung Quốc.
“Một số người nói rằng tôi máu lạnh, nhưng tôi rời khỏi căn nhà đó và quyết không bao giờ trở lại. Bây giờ tôi muốn quay về đó chỉ để biết con tôi đang sống như thế nào. Nhưng tôi không thể”, Y nói.
Y đã kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc và có một đứa con. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng bỏ mẹ con cô sau khi phát hiện ra quá khứ của vợ mình tại Trung Quốc.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí