Ngày 10-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Chủ động thông tin tích cực, kịp thời
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, trong năm 2018 các mặt hoạt động đều có chuyển biến tích cực, tác động tốt về định hướng tư tưởng chính trị và xây dựng đạo đức lối sống, góp phần tạo sự nhất trí nội bộ và đồng thuận xã hội. Cấp ủy các cấp đã quan tâm nắm bắt và xử lý có hiệu quả diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn; quan tâm phát hiện các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém của ngành tuyên giáo, trong đó công tác tư tưởng có lúc vẫn còn lúng túng, bị động; công tác bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị còn nặng về lý thuyết; chất lượng triển khai học tập, quán triệt nghị quyết vẫn còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cùng đó là chất lượng đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều, chưa có nhiều bài viết có tầm, có sức thuyết phục lớn trên báo chí và không gian mạng để phản bác các quan điểm sai trái.
Trong năm 2019, bà Thư đưa ra chín nhiệm vụ trọng tâm và chín giải pháp chủ yếu của ngành tuyên giáo. Một trong những giải pháp, bà Thư nhấn mạnh đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới; chủ động thông tin tích cực, định hướng tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy tham quan triển lãm các hoạt động của ngành tuyên giáo. Ảnh: TÁ LÂM |
Công tác truyền thông phải đi trước và sáng tạo
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong năm 2019 ngành tuyên giáo TP cần có quyết tâm mới, đổi mới phương thức, cách làm hiệu quả hơn góp phần để TP hoàn thành nhiệm vụ. Ông cho rằng cần có nhạy cảm về chính trị trong công tác truyền thông và truyền thông phải đi trước. Công tác truyền thông cần sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển chung của TP.
Theo ông Nhân, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền điển hình sáng tạo, tuyên truyền bằng người thật, việc thật, nhấn mạnh những người có hoạt động sáng tạo để hình thành văn hóa sáng tạo của TP. Cùng với chính sách hỗ trợ sáng tạo, phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hoạt động sáng tạo, đặc biệt là tấm gương người sáng tạo thành công; hình thành hoạt động truyền thông sáng tạo để phát triển TP từ nay đến năm 2030. Ngành tuyên giáo có vai trò quan trọng trong nội dung này, giúp TP thúc đẩy phong trào sáng tạo. Cùng với đó là thực hiện mạnh mẽ hơn trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.
Dịp này, 40 tập thể đã được nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Ban Tuyên giáo Thành ủy tặng giấy khen cho 33 tập thể.
Đấu tranh trên không gian mạng Tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đã dành thời gian nói về đấu tranh với các thế lực thù địch trên không gian mạng. Theo ông Phong, trong năm 2018 Công an TP.HCM đã phát hiện và đấu tranh hơn 10 nhóm kín có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Thông qua các cuộc đấu tranh, Công an TP đã vô hiệu được hoạt động gây bạo loạn ở sự kiện 2-9. Giám đốc Công an TP.HCM cũng khẳng định công tác đấu tranh với các đối tượng thù địch trên không gian mạng vẫn còn những khó khăn; chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để các thông tin xấu trên mạng, nhất là các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kêu gọi kích động biểu tình gây rối an ninh trật tự. Công tác nắm dư luận chưa kịp thời, thiếu linh hoạt nên chưa đánh giá hết diễn biến tư tưởng của các nhóm đối tượng này... Một vấn đề khác đó là tin đồn trên mạng, ông Phong cho biết tin đồn trên mạng xã hội phát tán khủng khiếp hơn xã hội hiện thực về tốc độ nhanh và diện rộng. “Một tin đồn bắn một cái thì lan tỏa rất nhanh. Trong khi xã hội thực phải rỉ tai nhau. Xã hội ảo nó cũng gây ra sự ngộ nhận” - ông Phong nói và cho rằng mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho sự phá hoại tư tưởng cũng như hoạt động chống đối. Từ đó ông Phong cho biết Công an TP đưa ra các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để thấy rõ mặt tích cực và tiêu cực trên Internet, nâng cao khả năng nhận diện và miễn nhiễm với thông tin xấu trên mạng đối với bản thân và xã hội. “Chúng ta xử lý cưỡng chế xây dựng trái phép vừa qua ở một địa phương thôi nhưng mà một kênh truyền hình nói nhà cầm quyền cướp đất của dân. Nếu như cộng đồng người Việt ở bên ngoài hay một bộ phận nhân dân không hiểu bản chất sự việc sẽ bị lệch lạc ngay và người ta sẽ bất mãn. Do đó tuyên truyền làm sao để nhân dân có một thông tin chính thống để có thể tự miễn dịch và có khả năng đấu tranh lại sự xuyên tạc là rất quan trọng”. Ông Phong nói thế và cho rằng hệ thống chính trị cơ sở cần sâu sát hơn nữa với nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết kịp thời các bức xúc, nguyện vọng của nhân dân. Đối với các cơ quan, đơn vị làm công tác tuyên truyền, ông Phong cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phản bác luận điệu của các đối tượng thù địch và tuyên truyền những thông tin chính thống, những quan điểm tư tưởng của chúng ta. Ông Phong đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở TT&TT tiếp tục chủ trì với các ban, ngành và cơ quan báo chí cung cấp thông tin định hướng, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. |
Tác giả: TÁ LÂM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM