Phát biểu tại hội trường ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ sự chưa hài lòng trước báo cáo về 5 dự án lớn do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả và đã tiêu tốn hay thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho rằng, "nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc" như: nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định... Thế nhưng, truy xét kỹ thì sẽ thấy nhiều khuyết điểm chủ quan, từ khâu đệ trình đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án.
Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Hoàng Long)
Ông Nghĩa dẫn chứng, Dự án Gang thép Thái nguyên đội vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Thời gian thi công từ 30 tháng lên 9 năm, đến nay vẫn chưa xong. Cho đến nay vẫn chưa thấy chỉ ra "ai phải chịu trách nhiệm?" và cử tri sẽ đặt câu hỏi ngoài 5 dự án được báo cáo thì hiện còn bao nhiêu dự án như vậy chưa được nêu ra?
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ngân sách và đầu tư công có vai trò là nguồn lực và động lực cho phát triển, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ thành nguồn lợi cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham nhũng. "Họ xà xẻo, xâu xé, sau đó dự án thành những cái xác chưa chôn, đắp chiếu", ông Nghĩa bình luận.
Như thế vẫn tiếp tục "ngốn" ngân sách vì phải trả nợ vay, giải quyết việc làm cho người lao động mà thậm chí là thuê người bảo vệ cho những thiết bị mà đến nay nó thành phế liệu hoặc những mặt bằng đã thành đất bỏ hoang.
Về vấn đề này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng bày tỏ băn khoăn: Ai cũng biết khi chậm tiến độ dự án là vốn đầu tư đội lên rất nhiều nhưng tại sao các cơ quan có trách nhiệm không xử lý dứt điểm hiện tượng này? Đơn cử, việc chậm bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân đã khiến ngân sách phải chi gần 156 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản và số tiền đội vốn đầu tư lại lấy từ ngân sách Nhà nước mà không ai chịu trách nhiệm.
Ông Diến cho rằng, việc chưa xác định được nguyên nhân chậm dự án tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm đã kéo theo hệ lụy rất nhiều dự án khác cũng xảy ra tương tự, cuối cùng chỉ thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân.
Do đó, theo ông, cần phải công khai các dự án do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả để nhân dân giám sát, xác định đây không phải là thông tin mật. Đồng thời, xử lý nghiêm những dự án có vấn đề, kể cả những tập thể, cá nhân của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra không phát hiện được.
"Đến vệ tinh, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ... cũng đều cần thiết"
Năm dự án có quy mô 30.000 tỷ đồng thua lỗ, nguy cơ phá sản cho thấy tình trạng tìm mọi cách để được phê duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư là khá phổ biến.
"Hay nói theo cách khác là tình trạng đua nhau xin đầu tư chạy dự án là có thật, nhưng hiệu quả dự án thực tế thì có khoảng cách một trời một vực so với thuyết trình của chủ đầu tư. Điều này cho thấy trách nhiệm của các bộ, ngành được Chính phủ giao thẩm tra tính khả thi và hiệu quả của dự án phải giải trình trách nhiệm của mình trước tình hình yếu kém", ông Diến đánh giá.
Đại biểu Quốc hội tại hội trường ngày 1/11 (ảnh: Quochoi.vn)
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví von, giống như khi nuôi bò sữa cho ăn ít đi mà mình lại muốn vắt sữa nhiều thì con bò đó đến ngày bị kiệt sữa đi. Không quốc gia nào kể cả những nước phát triển có đủ ngân sách đáp ứng cho mọi nhu cầu đầu tư công.
"Nếu chỉ chỉ lấy tính cần thiết ra để mà phê duyệt thì không dự án nào không cần thiết! Sân bay, bến cảng, đường sá, trường học, bệnh viện, công viên, thậm chí vệ tinh, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ... đều cần thiết cả. Đường sắt cao tốc cũng cần mà cầu treo cho đồng bào miền núi cũng cần, điện hạt nhân cũng cần và đường điện đến tận xóm làng xa xôi cũng cần", ông Nghĩa bình luận. Do đó, việc chọn và xét duyệt mục tiêu đầu tư đòi hỏi nhận thức và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, cách làm khách quan hợp lý và hài hòa.
Đại biểu TPHCM cho rằng, phải có cơ chế giám sát chặt quá trình triển khai dự án, thi công nghiệm thu để kịp thời chấn chỉnh, ứng phó các vấn đề phát sinh. "Nếu cần, mạnh dạn trảm tướng hay là thay tướng", ông Nghĩa góp ý.
"Vốn đầu tư công sử dụng NSNN muốn có hiệu quả phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án đầu tư công có mùi lợi ích nhóm", vị luật sư nhận định. "Không xây dựng được liêm chính và không chống được tham nhũng trong cán bộ công chức, mọi giải pháp cải thiện đầu tư công, cải thiện ngân sách, đều chỉ là những tiếng vang trong không khí".
Ông Nghĩa cũng đưa ra đề nghị, Chính phủ cần huy động các chuyên gia nghiên cứu và đề xuất các chính sách huy động nguồn lực trong dân để họ mạnh dạn tham gia đầu tư công, chung sức với Nhà nước thay vì đầu cơ quá nhiều vào bất động sản hay chỉ biết gửi tiết kiệm hoặc cất giấu.
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: