Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, yêu cầu các cấp tổ chức Đội cần lắng nghe ý kiến của trẻ em trong xây dựng các chương trình, phong trào thiếu nhi. Ảnh: Giang Thanh. |
Thể hiện mạnh mẽ vai trò của tổ chức Đoàn, Đội
Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này là Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng chống đuối nước và tai nạn, thương tích ở trẻ em. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH, số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích gần 7.000 trường hợp/năm (chiếm 35,5% tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc). Khoảng 50% trong số đó tử vong vì nguyên nhân đuối nước. Bởi vậy, đây là đề án được xây dựng và đưa ra trong nhiệm kì tới.
Đề án đặt ra các mục tiêu: đảm bảo 1 triệu thiếu nhi nhất là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được tham gia lớp, chương trình hướng dẫn kỹ năng an toàn hoặc kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích; mỗi tỉnh, thành đoàn phải tổ chức được ít nhất 2 lớp tập huấn trang bị kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho thiếu nhi, tổ chức dạy bơi miễn phí hoặc hỗ trợ học phí cho ít nhất 200 em có hoàn cảnh khó khăn. Các mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Trường học an toàn”, “Trẻ em toàn xã biết bơi”... và các chương trình kỹ năng như “Học kỳ quân đội”, “Học làm chiến sĩ công an”, “Đi để biết, học để sống”... tiếp tục được triển khai nhân rộng.
Anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh công tác bảo vệ trẻ em, tổ chức Đoàn, Đội cần phải thể hiện tính đại diện mạnh mẽ.“Tình trạng đuối nước, tai nạn, xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang rất được dư luận quan tâm với nhiều sự việc đau lòng.Tuy nhiên, trong những vụ việc đó, vai trò của tổ chức Đoàn, Đội vẫn chưa thực sự hiện diện. Chúng ta đang ở đâu và thể hiện quan điểm như thế nào khi xảy ra những sự việc đau lòng đó”, anh Phong đặt vấn đề.
Theo anh Phong, đội ngũ cơ sở phải có sự tìm hiểu và nắm rõ tình hình, không để xảy ra tình trạng “trên hỏi đến thì dưới mới đi tìm hiểu”. “Muốn làm tốt nhiệm vụ phòng chống đuối nước và tai nạn, thương tích ở trẻ em, phải nắm rõ tình hình từ cơ sở. Khi có một sự việc xảy ra, đôi khi sự hiện diện của cán bộ trong tổ chức Đoàn, Đội để động viên, thăm hỏi đã là thể hiện sự quan tâm, sát sao của tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em”, anh Phong nói thêm.
Để trẻ em nói lên ý kiến
Cũng tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn yêu cầu các cấp tổ chức Đội phải liên tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động cho phù hợp với sự phát triển và nhu cầu tâm sinh lý của trẻ em hiện nay. Trong nhiệm kỳ trước, T.Ư Đoàn đã triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Quảng Ninh, Bình Định. Đây là mô hình nhóm đại diện trẻ em, định kỳ phản ánh ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đến lãnh đạo địa phương. Trong nhiệm kỳ tới, T.Ư Đoàn tiếp tục định hướng nhân rộng mô hình “Hội đồng trẻ em”. T.Ư Đoàn cũng định kỳ 2 năm/lần kết hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn “Quốc hội trẻ em”. “Phải để trẻ em nói lên tiếng nói thực sự, thể hiện những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bản thân. Không nên dùng ý chí chủ quan của người làm công tác Đội và phong trào thiếu nhi để áp đặt suy nghĩ vào các em”, anh Phong khẳng định.
Trong việc xây dựng và phát triển các mô hình, chương trình, hoạt động cho phong trào thiếu nhi, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng yêu cầu các cấp tổ chức Đội phải có sự lắng nghe ý kiến của trẻ em. “Từ chính những ý kiến đó, chúng ta sẽ có những thay đổi phù hợp để hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi có sức thu hút, sức lan tỏa mạnh mẽ. Tại sao có rất nhiều mô hình phải trả tiền nhưng phụ huynh vẫn chấp nhận trả tiền cho con em mình tham gia? Đó là điều mỗi người làm công tác Đội phải suy ngẫm. Chúng ta có thiết chế, có sự hỗ trợ tại sao lại chưa thu hút? Có phải mô hình của chúng ta chưa hay, chưa hấp dẫn?”, anh Phong nêu vấn đề.
Anh Phong nêu ví dụ về mô hình “Học kỳ quân đội” đang được triển khai trên toàn quốc và có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và các em thiếu nhi. “Nhiều nơi phụ huynh phải tranh nhau đăng ký để con em mình được tham gia chương trình sớm nhất, bởi số lượng tổ chức các chương trình trong dịp hè là có hạn. Vì chương trình thiết thực, thể hiện hiệu quả rõ rệt nên thu hút sự tham gia. Chúng ta cần có nhiều hơn những chương trình xuất phát từ nhu cầu thực tế và giải quyết được nhu cầu thực tế mới có thể lan tỏa mạnh mẽ”, anh Phong nói.
Trong hoạt động triển khai phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, Bí thư thứ nhất cũng yêu cầu các cấp, các đơn vị cơ sở chủ động cụ thể hóa bằng các hoạt động, các chương trình cụ thể, xây dựng được các phong trào từ thực tiễn địa phương để phong trào có độ bền và có tính lan tỏa, thu hút sự tham gia của các em thiếu nhi.
Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI về công tác phụ trách Đội và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhiệm kỳ 2017 – 2022 diễn ra trong 2 ngày 14/4 và 15/4 tại Đà Nẵng. Cũng trong dịp này, Hội đồng Đội T.Ư trao tặng 10 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 5 tủ sách cho Thành Đoàn Đà Nẵng.
Nâng cao hiệu quả hoạt động cung/nhà thiếu nhi Trong giai đoạn 2012 – 2017, hệ thống cung/nhà thiếu nhi các cấp tổ chức được gần 45 nghìn lớp năng khiếu, thu hút hơn 1,6 triệu lượt thiếu nhi tham gia với nhiều hoạt động thu hút. T.Ư Đoàn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai hỗ trợ trang thiết bị cho 150 nhà thiếu nhi cấp huyện tại các địa bàn khó khăn với tổng trị giá 24 tỷ đồng. Anh Lê Quốc Phong yêu cầu hệ thống cung/nhà thiếu nhi phải đổi mới hoạt động, trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động thiếu niên, nhi đồng của địa phương. “Phải chủ động tiếp cận, giới thiệu các hoạt động đến các em học sinh ngay từ trong trường học, đồng thời, xây dựng những chương trình, lớp học, mô hình hoạt động thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của các em thiếu nhi, để hệ thống cung/nhà thiếu nhi trở thành sân chơi cho các em phát triển toàn diện”. |
Tác giả: GIANG THANH
Nguồn tin: Báo Tiền phong