Bước vào tuổi 85 "xưa nay hiếm", PGS.TS Đặng Anh Đào vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục, say mê nghiên cứu. |
Nhà giáo 60 năm tận tụy "đưa đò"
PGS.TS Đặng Anh Đào được biết đến là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, dịch giả được nhiều người biết đến, với các tác phẩm: "Tài năng và người thưởng thức", "Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX", "Truyện ngắn phương Tây, Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong "Tấn trò đời", "Tầm xuân và những ký ức muộn"… Hơn thế nữa, PGS.TS Đặng Anh Đào còn được nhiều người trân quý và kính trọng hơn cả ở vai trò một nhà giáo.
Nguyên là giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã từng truyền cảm hứng văn học, tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề và hướng dẫn rất nhiều tầng lớp sinh viên. Gọi PGS.TS Đặng Anh Đào là người thầy của những người thầy, quả thực không sai khi lớp lớp học trò được cô dìu dắt đều trưởng thành và có vị thế trong xã hội như nhạc sĩ Trần Tiến, GS Lê Huy Bắc, nhà thơ Châu La Việt, TS Trần Hinh…
Ở cái tuổi 85 "gần đất xa trời", con cái thành đạt và hiếu thuận, tưởng chừng như cô đã về hưu an nhàn, nghỉ dưỡng, nhưng lại không phải vậy. Lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu vẫn tiếp thêm động lực để nữ phó giáo sư gắn bó với giảng đường, chủ yếu dạy cao học và hướng dẫn Nghiên cứu sinh.
Bởi việc đi lại của cô gặp khó khăn nên học viên thường đến nhà cô học. Trong "lớp học" giản dị, tấm bảng mê ca nhỉ đặt trên chiếc giá vẽ, "bàn giáo viên" cũng đơn giản với hai chiếc ghế nhựa chồng lên nhau, phủ một tấm khăn trải bàn trắng. Thế nhưng, mỗi lời giảng trầm bổng lôi cuốn học trò của cô đều chứa đầy tâm huyết của người giáo viên đã gắn bó với nghề gần 60 năm.
Ở "lớp học" ấy, học trò không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn học được cả về nhân cách, lối sống của một người thầy, về sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, đơn giản từ việc dùng câu, dùng từ, về giờ giấc, tác phong làm việc.
"Sinh viên bây giờ rất ít đọc sách, chất lượng thì càng ngày càng đi xuống, đến cả Thạc sĩ cũng sai chính tả thì tôi khó lòng nào chấp nhận được", cô Đào chia sẻ.
Người thầy "mắt sáng, lòng trong"
Trong giờ học, cô nghiêm khắc là thế nhưng lúc giải lao cô lại ân cần hỏi han học trò về công việc, gia đình, tình cảm. Bên tách trà hoa nhài thơm dịu, cô chia sẻ những kinh nghiệm đứng trên bục giảng, từ việc soạn giáo án, tư thế viết bảng, giao tiếp với học trò... Những kinh nghiệm quý báu đó là hành trang giúp học viên thêm tự tin, theo nghề và say mê với nghề bụi phấn bám đầy tay.
Cô Đặng Anh Đào trong một buổi bảo vệ luận văn Thạc sĩ của học viên. |
Vốn ít lời, lại sống giản dị, trong sáng nên khiến học trò cảm phục bởi những hành động gần gũi, sự quan tâm chân thành và tận tụy hết mình.
Đặc biệt, cô dành nhiều tình cảm và sự tự hào khi nhắc đến những học sinh tình nghĩa: "Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải dạy tư để kiếm sống, nhưng những lúc tôi cần, họ vẫn sẵn sàng xếp thì giờ đến để giúp đỡ. Tôi ấn tượng không phải ở kiến thức xuất sắc của các em ấy mà cái quý nhất là ở tình cảm. Nhiều người hơn 70 tuổi rồi nhưng có dịp lại đến hỏi thăm, trò chuyện cùng tôi".
Suốt một đời gắn bó, gieo trồng những hạt giống tri thức, PGS.TS Đặng Anh Đào không mảy may quan tâm đến những ganh đua, đố kị, lúc nào cũng toát lên nhiệt huyết và sự say mê của nhà giáo mẫu mực.
Với những ai may mắn được theo học hay có cơ hội được nghe PGS.TS Đặng Anh Đào tọa đàm đều bị cuốn hút bởi cách truyền tải rất riêng, dung dị mà sâu sắc.
Cách nói chuyện của cô vừa nghiêm nghị vừa hài hước, có gì đó nhẹ nhàng, lãng mạn lịch thiệp nhưng cũng trang trọng, cẩn mực, uyên áo đồ Nho. Cô vẫn thường hay nói chuyện thời thế, thế thời dưới con mắt trải nghiệm của một người đã đi qua 2 cuộc chiến của đất nước.
Dù xuất thân trong một gia đình "trâm anh", được tiếp thu một nền giáo dục mẫu mực và tiến bộ từ người cha uyên bác và người mẹ hồn hậu dòng dõi Nho gia, nhưng PGS.TS. Đặng Anh Đào lại vô cùng giản dị, đến mức mà nếu người đối diện không được giới thiệu trước thì sẽ không thể hình dung đấy là một học giả uy tín hàng đầu Việt Nam.
Tuổi tác không làm giảm lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu của PGS.TS Đặng Anh Đào. Vừa được nghe những chuyện cô kể về Hội nghị văn học và những trải nghiệm, giải thưởng bên Pháp, đã thấy cô mải miết cho những chuyến công tác miền Nam. Những chuyến bay ngang dọc bầu trời của cô giáo hơn 80 tuổi mang theo không nhiều hành lí nhưng trĩu nặng đam mê và khát khao được chia sẻ học thuật.
Tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, phá cách
Ngoài là một nhà giáo mẫu mực, cô Đặng Anh Đào còn mang một tâm hồn nghệ sĩ. Cô viết truyện ngắn, viết hồi kí bằng những trải nghiệm của một con người đã kinh qua nhiều biến cố của thời đại, bằng cả cái chất nghệ sĩ rất riêng của mình.
Hơn cả nó còn là cuốn tư liệu văn hóa, nơi mà bạn đọc có thể tạm rời xa với cuộc sống hiện đại, xô bồ để lắng mình, nhìn lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.
Đọc những trang sách của PGS TS. Đặng Anh Đào, một Việt Nam thời chiến đầy khác lạ dưới mắt nhìn của một cô bé theo cha mẹ tản cư. Ở đó không chỉ có khói lửa và chia li, đó còn là những bữa cơm "cần già, củ kiệu" mẹ muối theo kiểu làng Ngò, mối tình sáng trong của cô nữ sinh trường Albert Sarrault với anh lính có nụ cười sáng ngời, đôi mắt nâu và cặp lông mày “võ tướng” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân) và cả những sự gặp gỡ đầy thú vị với gia đình luật sư Phan Anh, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác sĩ Tôn Thất Tùng, gia đình GS Nguyễn Xiển...
Những mảnh ký ức vụn vặt, chuyện con cá, lá rau xung quanh cuộc sống tản cư bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là bàng bạc thiên tính nữ dịu dàng, lại có thể mang trong mình cả một chiều dài lịch sử, là nơi mà cô Đặng Anh Đào truyền tải những bài học về đạo đức, nhân sinh.
Quả thực, thời gian chảy trôi cuốn theo nhiều hồi ức và trải nghiệm, những gì còn đọng lại trong tâm thức mỗi cô cậu học trò không phải là học thức uyên bác, cao siêu mà chính ở tấm chân tình nhà giáo. PGS.TS Đặng Anh Đào- người giáo viên giản dị, tận tâm mà vô cùng nghiêm túc trên con đường học thuật sẽ mãi là hình tượng đẹp trong lòng mỗi học sinh, sinh viên.
Mặc dù sức khỏe khiến cường độ làm việc của cô không còn được như trước nhưng "nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ còn đứng lớp, giúp các em tích lũy tri thức và tình yêu nghề để tự tin vững bước về sau".
Tác giả: Bạch Hiền
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật