Đêm 30/11, các thị trường đón nhận một thông tin rất quan trọng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã đạt được thỏa thuận về việc hạn chế nguồn cung. Theo đó, OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày xuống mức 32,5 triệu thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên OPEC cắt giảm sản lượng kể từ năm 2008.
Ngay lập tức, thông tin này khiến giá dầu tăng vọt. Cụ thể, chốt phiên cuối cùng của tháng 11, giá dầu WTI tăng 8,52%, tương đương 4,21 USD/thùng lên 49,44 USD/thùng. Giá dầu brent tăng 8,1%, tương đương 4,09 USD/thùng lên 50,47 USD/thùng. Các chuyên gia dự báo, đà tăng của giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì.
Phản ứng với thông tin này, ngay khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, cổ phiếu của các đại gia dầu khí Việt đồng loạt tăng rất mạnh. Từ đó, hàng loạt đại gia Việt được OPEC “tặng” hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12.
OPEC ‘tặng’ đại gia Việt 10.000 tỷ đồng
Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam tăng trần, tăng 4.400 đồng/CP lên 68.300 đồng/CP. Điều đáng nói, OPEC đã “cứu” GAS vì suốt 6 phiên giao dịch vừa qua, GAS chỉ biết đến giảm giá.
Nhờ GAS, vốn hóa thị trường “ông lớn” ngành dầu khí tăng 8.419 tỷ đồng lên 130.682 tỷ đồng. Tổng Công ty Khí Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù hạ nhiệt vào gần cuối phiên sáng nhưng có thời điểm PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí cũng có nhiều thời điểm giao dịch trong sắc tím khi tăng 1.500 đồng/CP lên 23.400 đồng/CP.
PVD giúp vốn hóa thị trường Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí có thêm 574 tỷ đồng. Cũng như GAS, sáng nay, PVD được OPEC “cứu” sau chuỗi ngày dài giao dịch rất ảm đạm với xu hướng giảm chiếm ưu thế.
Giống như GAS và PVD, cổ phiếu PXS cũng có thời điểm tăng trần, tăng 610 đồng/CP lên 11.000 đồng/CP. PXS giúp vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí tăng 36,6 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, các cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì được đà tăng trần. PVB tăng 1.100 đồng/CP lên 1.100 đồng/CP lên 12.100 đồng/CP, PXA tăng 100 đồng/CP lên 1.300 đồng/CP, PVC tăng 800 đồng/CP lên 9.000 đồng/CP,…
Nhờ PVB, PXA, PVC, vốn hóa thị trường lần lượt Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An và Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí có thêm 23,8 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Một cổ phiếu tăng trần được chú ý trong phiên sáng 1/12 là PVV của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex. Gần đây, PVV được nhắc đến nhiều sau khi vị Chủ tịch 8X Trương Quốc Dũng bị bắt cùng ông Vũ Đức Thuận vì những sai phạm tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Sáng nay, PVV tăng 100 đồng/CP lên 1.300 đồng/CP. Trước đó, PVV có chuỗi 6 phiên liên tiếp giao dịch ảm đạm khi chỉ biết tới giảm giá hoặc đứng giá. Sáng nay, nhờ PVV, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex có thêm 3 tỷ đồng.
Đầu phiên, PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng tăng trần, tăng 1.700 đồng/CP lên 19.400 đồng/CP. Vì vậy, có thời điểm, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam được OPEC “tặng” 759 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính 3 ông lớn GAS, PVD và PVS, vốn hóa thị trường ngành dầu khí đã tăng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Trong khi cổ phiếu ngành dầu khí trở thành điểm nhấn của thị trường chứng khoán Việt Nam thì ở chiều ngược lại, ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros cũng là tâm điểm khi bất ngờ giảm sàn. Sau chuỗi ngày tăng điên cuồng, ROS giảm 8.700 đồng/CP xuống 116.300 đồng/CP.
ROS khiến vốn hóa thị trường công ty cổ phần xây dựng Faros “bốc hơi” 3.741 tỷ đồng. Trong đó, là cổ đông lớn nhất tại Faros, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC mất 2.432 tỷ đồng. Dù vậy, ông Quyết vẫn vừng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tác giả bài viết: Bảo Linh
Nguồn tin: