Ông Trump giành phần thắng trong tranh chấp thương hiệu tại Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty)
Wall Street Journal ngày 14/11 đưa tin Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã chiến thắng trong vụ kiện tranh chấp thương hiệu “Trump” với một số doanh nghiệp và công ty Trung Quốc. Theo đó, ông Donald Trump được phép đăng ký thương hiệu hợp pháp cung cấp các dịch vụ bất động sản liên quan đến các tài sản của cá nhân và phục vụ mục đích thương mại.
Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao ông Trump giành chiến thắng trong vụ kiện này. Người phát ngôn của Tập đoàn Trump từ chối bình luận về vấn đề này.
Ở Trung Quốc hiện có tới 53 thương hiệu đăng ký thương hiệu Trump trong nhiều lĩnh vực, từ quần áo thời trang tới các cửa hàng làm đẹp, chăm sóc thú cưng và các khóa học đánh golf. Tuy nhiên trong số đó chỉ có 21 thương hiệu thực sự thuộc quyền sở hữu của ông Donald Trump.
Trong số những thương hiệu Trump “giả”, có những thương hiệu mới chỉ được đăng ký gần đây, bao gồm các sản phẩm bể nuôi cá, đạn dược, chất nổ, bài poker, sân tennis và thậm chí là bao cao su.
Luật sư Zhou Dandan, người đại diện của ông Donald Trump trong các vụ kiện thương hiệu từ năm 2008, cho biết tên Trump đã trở thành một thương hiệu nội địa tại Trung Quốc và điều này có thể thay đổi kết quả các vụ tranh chấp thương hiệu trong tương lai.
Năm 2006, ông Donald Trump đã đăng ký thương hiệu Trump trong một số lĩnh vực tại Trung Quốc, trong đó bao gồm cung cấp các dịch vụ tư vấn bất động sản cá nhân và thương mại.
Năm 2009, Ban Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) đã từ chối đơn xin đăng kí thương hiệu của ông Trump, với lý do đã có một công ty Trung Quốc ở tỉnh Liêu Ninh đã “đi trước một bước” và đăng kí thương hiệu Trump trong lĩnh vực "xây dựng kiến trúc và nhà máy". Công ty này cung cấp các dịch vụ tương tự với doanh nghiệp của ông Donald Trump.
Theo một văn bản của Tòa án Tối cao tại Bắc Kinh, ông Trump được quyền sở hữu thương hiệu trong các lĩnh vực dịch vụ bao gồm lắp đặt và sửa chữa điều hòa, hệ thống sưởi ấm, thang máy cũng như sửa chữa và lắp đặt nội thất. Tuy nhiên SAIC cho rằng những lĩnh vực này là “quá giống” với những gì mà công ty ở Liêu Ninh đã đăng ký trước đó.
Đây không phải là trường hợp duy nhất các công ty Trung Quốc tự ý lấy tên của các thương hiệu nước ngoài để đặt cho công ty của mình. Năm 2012, Apple đã từng phải trả 60 triệu USD để mua lại thương hiệu iPad từ một công ty của Trung Quốc.
Ông Donald Trump sau đó đã yêu cầu xem xét lại, tuy nhiên đến tháng 2/2014, SAIC vẫn không thay đổi quyết định. Ông Trump quyết định kiện SAIC vì không cấp giấy phép cho công ty của ông. Ngày 18/5/2015, Tòa án tối cao Trung Quốc vẫn tuyên bố ông thua kiện. Một tháng sau đó, ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ.
Luật sư Zhou cho rằng kết quả mà Tòa án tối cao Trung Quốc đưa ra không có gì bất ngờ, đồng thời cho rằng: “Ông Trump không nổi tiếng ở Trung Quốc và chẳng có ai biết đến ông ấy”.
Nhưng ông Donald Trump không bỏ cuộc và tiếp tục làm lại hồ sơ đăng ký thương hiệu. Và lần này ông đã thắng cuộc. Đăng ký trước đó của công ty ở Liêu Ninh không còn giá trị. Nếu không có bên nào kháng cáo trong vòng 90 ngày thì quyết định này sẽ có hiệu lực vô thời hạn. SAIC chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.
Tác giả bài viết: Nhật Minh
Nguồn tin: